Ông Novak đánh giá: “Đối với ngành công nghiệp khí đốt, hàng năm chúng tôi cung cấp khoảng 200 tỷ mét khối khí đốt trong khi châu Âu tiêu thụ 500 tỷ mét khối – chiếm gần 60% lượng khí đốt xuất khẩu. Chắc chắn không có gì thay thế được điều này trong một, ba hoặc năm năm tới”.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga cho rằng Mỹ đang gây sức ép lên châu Âu để buộc nước này phải từ bỏ khí đốt của Nga. Phó Thủ tướng Nga cũng không loại trừ mọi khả năng có thể xảy ra, nhưng theo ông, việc châu Âu từ chối hoàn toàn năng lượng của Nga là một kịch bản “ngày tận thế”.
Ngoài ra, ông Novak cho rằng nếu các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với dầu khí của Nga, thì việc tăng giá năng lượng trên thế giới sẽ khó lường và có thể xảy ra sụp đổ bởi Nga là nhà cung cấp nguồn năng lượng lớn nhất cho các thị trường thế giới với tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 20%.
Một ngày trước đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga từ chối chấp nhận thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng các loại tiền USD và euro đối với các quốc gia không thân thiện, thay vào đó thanh toán bằng đồng rúp của Nga. Quyết định này sẽ dẫn tới thay đổi về đồng tiền thanh toán và sửa đổi trong hợp đồng khí đốt với các quốc gia không thân thiện. Mặc dù vậy, phía Nga khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt với khối lượng xác định trong hợp đồng, phù hợp với giá hợp đồng và các nguyên tắc định giá.
Cùng ngày, người đứng đầu Ủy ban Hạ viện Đức về năng lượng và bảo vệ khí hậu, Klaus Ernst nhận định rằng về mặt kỹ thuật, có thể thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp, song điều này sẽ buộc Liên minh châu Âu phải lách các lệnh trừng phạt của chính mình.
Dư luận các nước có ý kiến trái chiều. Một số quốc gia cho biết sẵn sàng thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp, một số nước lại bày tỏ quan ngại rằng quyết định của Nga trở thành một vấn đề lớn đối với thế giới./.