Đêm qua (theo giờ Việt Nam), cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã diễn ra tại Brussel, Bỉ, trong nỗ lực gạt bỏ những bất đồng để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư từ khu vực Bắc Phi và Trung Đông đổ về châu Âu. Tại cuộc họp các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí tăng gấp 3 lần nguồn quỹ cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ người di cư, trong đó, Anh cũng đề xuất cử tàu Hải quân Hoàng gia của mình tham gia hoạt động này.
Mở đầu cuộc họp thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã giành 1 phút mặc niệm cho hàng nghìn người đã bỏ mạng trên hành trình nguy hiểm vượt Địa Trung Hải để chạy thoát khỏi đói nghèo và chiến tranh. Cuộc họp khẩn cấp tập trung vào nội dung khôi phục lại và tăng cường hoạt động cứu nạn người di cư trên biển, nhằm chấm dứt những thảm kịch chìm tàu chở người nhập cư đã cướp đi sinh mạng của 2.000 người từ đầu năm đến nay.
Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo, cách nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhất trí tăng gấp 3 lần nguồn quỹ cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ những người di cư trên biển Địa Trung Hải. Bà Merkel khẳng định Liên minh châu Âu muốn hành động nhanh chóng cho vấn đề này.
“Chúng tôi muốn hành động nhanh chóng, do đó, chúng tôi sẽ tăng gấp 3 nguồn quỹ cho sứ mệnh Frontex để cải thiện các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Với Đức, tôi có thể nói thêm rằng nếu kế hoạch ngân sách này là không đủ chúng ta sẽ phải thảo luận lại. Tiền bạc không phải là vấn đề ở đây”
Thủ tướng Anh David Cameron cũng phát biểu trước báo giới khi kết thúc cuộc họp, cam kết rằng tàu Hải quân Hoàng gia Anh cho thể mang theo trực thăng và 2 thuyền lớn của nước này sẽ tham gia hoạt động cứu hộ trên biển Địa Trung Hải.
“Cuộc họp đã diễn ra rất tích cực vì các nước sẽ cùng Anh đưa các phương tiện quân sự tham gia sứ mệnh cứu những người di cư. Điều cần thiết lúc này là chúng ta phải có một kế hoạch toàn diện để đối phó với những băng đảng tội phạm buôn người và có chiến lược ổn định tình hình tại các nước có đông người đi di cư. Tôi cho rằng, sẽ là đúng đắn nếu Anh bước lên trước và đóng một vài trò trong sứ mệnh này. Vai trò của chúng tôi là cứu lấy những mạng sống và đưa họ tới Italia hay các nước khác ở gần đó. Song đây chỉ là kế hoạch trước mắt, chúng ta vẫn cần một chiến lược toàn diện để có thể thay đổi và giải quyết vấn đề này”
Cuối tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Italy thông báo kết thúc sứ mệnh cứu hộ trên biển có tên “Vùng biển của chúng ta”, vốn đã cứu sống hơn 100.000 người di cư trái phép bấp chấp nguy hiểm vượt biển từ châu Phi và Trung Đông để tới châu Âu.
Italy lúc đó cho biết, “Vùng biển của chúng ta” kết thúc để mở đường cho Liên minh châu Âu thực hiện một kế hoạch hành động khác vì đây chỉ là hành động đối phó khẩn cấp với làn sóng người di cư ồ ạt, chứ không phải là một giải pháp lâu dài. Quyết định này cũng nhằm giảm sức ép với tình hình tài chính của Itay trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài 3 năm qua, khi nước này đã chi 114 triệu euro trong năm qua để thực hiện chiến dịch “Vùng biển của chúng ta”.
Đúng như các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại, việc Italy ngừng chiến dịch cứu hộ đã khiến các thảm kịch chìm tàu chở người di cư trên Biển Địa Trung Hải gia tăng. Những con số hơn 3.300 người nhập cư trái phép đã thiệt mạng trong các vụ chìm tàu trong năm ngoái và khoảng 2.000 người từ đầu năm đến nay mới làm các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu phải giật mình để có hành động khẩn cấp. Nhất là trong bối cảnh, các vụ chìm tàu chở người di cư trái phép xảy ra nối tiếp nhau trong thời gian gần đây, với nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Yêu cầu cấp bách phải giải quyết vấn đề người di cư trái phép tới châu Âu đã từng được đặt ra sau thảm họa chìm tàu năm 2013 cướp đi sinh mạng của hơn 300 người. Những kêu gọi hỗ trợ của Italia lúc đó đã không nhận được câu trả lời tích cực từ Liên minh châu Âu. Nếu thời điểm đó, châu Âu hành động như bây giờ thì đã có thêm rất nhiều mạng sống được cứu, chứ không phải tình thế “mất bò mới lo làm chuồng” như lúc này.
Làn sóng bất ổn và xung đột đẩy ngày càng nghiều người dân tại Trung Đông và Bắc Phi, bất chấp tính mạng vượt Biển Địa Trung Hải tới châu Âu thông qua Italy. Italy ước tính năm nay sẽ có 200.000 người thực hiện hành trình chạy trốn nghèo đói và chiến tranh này để tới châu Âu tìm cơ hội sống mới. Con số này tăng so với 170.000 người của năm ngoái./.