Một chiếc thuyền chở hàng trăm người di cư đã bị lật và chìm ngoài khơi Libya đêm 18/4 (giờ địa phương) nhưng cho tới nay mới chỉ có 28 người được cứu. Vụ tai nạn này đã khép lại một tuần đầy bi thảm của người di cư ở Địa Trung Hải.
Con số chính xác có bao nhiêu người chết chưa được làm rõ nhưng ngày 19/4, giới chức Libya thông báo họ đang tìm kiếm khoảng 700 người mất tích. Nhiều người cho rằng, có thể số người chết sẽ lên đến hàng trăm.
Sau thảm kịch này, các nhà lãnh đạo châu Âu đang đối mặt với sức ép nặng nề để giải quyết vấn đề di cư ở khu vực Địa Trung Hải. Đây không phải là lần đầu tiên chuyện thuyền, phà chở hàng trăm người di cư bất hợp pháp bị lật ở khu vực này.
Các nhà lãnh đạo EU đã gặp nhau vào ngày 20/4 để bàn luận tìm giải pháp cho những vụ tai nạn liên tiếp gần đây ở khu vực Địa Trung Hải. Nhiều người kêu gọi cần có sự thay đổi trong chính sách di cư của EU để cho khu vực Địa Trung Hải có thể trở nên an toàn hơn.
Phát ngôn viên của Nghị viện châu Âu đã thừa nhận rằng, Địa Trung Hải là vấn đề “xấu hổ” của EU hiện nay.
EU loay hoay tìm hướng đi
Địa Trung Hải dường như đã trở thành “cầu nối tới thiên đường châu Âu” cho hàng trăm ngàn người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở khu vực châu Phi và Trung Đông.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo EU đã lo ngại rằng, các phần tử khủng bố có thể trà trộn vào đoàn di cư bất hợp pháp để thâm nhập vào đất nước họ bên cạnh các vấn đề khác như buôn lậu, thất nghiệp.
Sự e ngại trên, dẫn đến nghi ngờ rằng một số nhà lãnh đạo châu Âu không muốn tài trợ cho kế hoạch hạn chế người di cư từ Trung Đông và châu Phi vượt biển trái phép.
Trong thực tế, EU đã huy động một nguồn lực rất ít để hỗ trợ cứu nạn trên biển. Các thành viên EU cho rằng, nếu tổ chức thêm các nỗ lực cứu hộ sẽ khuyến khích làn sóng nhập cư trái phép vào châu Âu tăng lên.
Cho đến nay, Tổ chức Di trú Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế khác vẫn liên tục hối thúc Liên minh châu Âu cần tăng cường hơn nữa các hoạt động cứu hộ.
Bộ trưởng Nội vụ Đức cho rằng, các nước theo đuổi chính sách hạn chế cứu nạn- cứu hộ, giờ đây đang phải đối mặt với khía cạnh nhân đạo của vụ việc.
Ngày 19/4, Italy tuyên bố họ sẽ tiếp tục cứu những người di cư bị những kẻ tổ chức vượt biên bất hợp pháp bỏ mặc trên biển, đồng thời yêu cầu EU gia tăng trợ giúp trong công tác giải cứu và bảo vệ họ.
Một luật gia người Đức, Heribert Prantl đã viết trên tờ Sueddeutsche Zeitung: “EU có đầy đủ các phương tiện để giải cứu những người tị nạn chạy trốn khỏi địa ngục Syria và Lybia, nhưng EU lại để cho họ chết đuối”.
"Vấn đề người tị nạn đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm của quốc tế", Leonard Doyle, phát ngôn viên của Văn phòng Di cư Quốc tế tại Geneva cho biết.
"Chúng tôi bắt đầu thấy mọi người phản ứng mạnh mẽ với các khía cạnh nhân đạo của việc di cư”, phát ngôn viên Leonard Doyle cho hay.
Áp lực từ truyền thông sẽ buộc EU thay đổi?
Bên cạnh nguyên nhân từ sự hỗn loạn ở Syria, Iraq hay Libya - một phần là kết quả của sự can thiệp của châu Âu – những người di cư còn bị hấp dẫn bởi nền kinh tế phát triển ở bờ bên kia Địa Trung Hải. Bình quân, một quốc gia EU thu nhập gấp 30 lần một quốc gia châu Phi.
Chính quyền Anh đã chỉ trích rằng do đầu tư của EU vào chính sách di cư còn nhiều hạn chế nên đã khuyến khích người di cư băng qua biển theo cách nguy hiểm với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này đã dẫn đến những cái chết không mong muốn.
Bà Ska Keller, người phụ trách vấn đề di cư ở Nghị viện châu Âu cho biết, dẫu cho số lượng những người ủng hộ chính sách hạn chế cứu nạn- cứu hộ vẫn còn nhiều, không có nghĩa rằng điều đó là đúng.
Bà Ska Keller cho rằng, đã đến lúc cần có sự thay đổi. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cũng kêu gọi các nước EU cần phải tăng cường hợp tác trong vấn đề di trú.
Nhà phân tích Anders Lustgarten cho biết, cách duy nhất để cứu được những dân thường thoát khỏi cái chết vì di cư bất hợp pháp chính là làn sóng phản ứng của truyền thông. Ông Anders Lustgarten cũng chỉ trích chính sách cắt giảm nguồn lực đối với công tác cứu nạn trên biển của EU.
Được biết, hoạt động cứu nạn chung trên biển của EU đã kết thúc hồi năm ngoái sau khi một số nước thành viên tuyên bố không thể kham nổi chi phí cho hoạt động này.
Ông Anders Lustgarten nói: “Không có gì tác động đến EU bằng áp lực từ quần chúng, và tôi nghĩ rằng điều này rất đáng khích lệ”./.