Còn giới chức châu Âu dù đưa ra lạc quan thận trọng về thỏa thuận ngừng bắn Minsk thứ 2 này, song họ đang khẳng định nỗ lực chủ động của mình và hướng hợp tác tích cực hơn với Nga để hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine, cũng như mối quan hệ chưa bao giờ lặng sóng Nga-phương Tây này. 

Kết thúc đàm phán nước rút thâu đêm tại thủ đô Minsk của Belarus, các nhà lãnh đạo của Bộ tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine từ ngày 15/2 tới. 

hoi_nghi_josn.jpgToàn cảnh Hội nghị hòa bình Minsk (Ảnh Reuters)

Đến chiều qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ký Tuyên bố chung, khẳng định hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như giải pháp hòa bình là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột hiện nay tại nước này. 

Theo thỏa thuận đạt được, các bên trong cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine sẽ phải rút vũ khí hạng nặng, thiết lập vùng phi quân sự và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ chịu trách nhiệm giám sát các bên thực hiện thỏa thuận ngừng bắn này. 

Tất cả các bên tham gia đàm phán đều lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được, coi đây là tia hy vọng mới cho cuộc khủng hoảng Ukraine, tuy nhiên cùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc triển khai trên thực tế các thỏa thuận đạt được. 

Trên thực tế việc đổ bể của thỏa thuận Minsk tháng 9 năm ngoái khiến giới chức châu Âu lạc quan thận trọng trước kịch bản thỏa thuận mới này đi vào vết xe đổ trước đó. 

Thủ tướng Đức Merkel phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu hôm qua sau khi rời bàn đàm phán của Bộ tứ Normandy nói rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã yêu cầu Ủy ban châu Âu chuẩn bị thêm các trừng phạt trong trường hợp lệnh ngừng bắn không được tuân thủ. 

Đây cũng là những gì mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhắc tới sau khi hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn Minsk thứ hai này. Phát biểu đêm qua sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels, ông Tusk hy vọng các bên sẽ tôn trọng thỏa thuận vừa đạt được. 

“Chúng tôi vẫn hy vọng vào môt giải pháp hòa bình cho Ukraine, nhưng phép thử thực tế là việc các bên phải tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Chúng tôi không hề thảo luận về bất cứ trừng phạt mới nào, song cũng không có ý định trì hoãn các lệnh trừng phạt. Chúng tôi muốn đảm bảo sức ép với Nga để thực hiện thỏa thuận Minsk thứ 2 này. Liên minh châu Âu thống nhất và sẵn sàng những trừng phạt mới với Nga nếu cần thiết”, ông Tusk nói. 

Cuộc xung đột đã kéo dài 10 tháng qua tại Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 nghìn người, đồng thời đẩy quan hệ Nga-phương Tây rơi vào căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong bối cảnh, thỏa thuận ngừng bắn Minsk trước đó đổ bể, xung đột tại miền Đông Ukraine leo thang trở lại trong tháng qua và việc Mỹ để ngỏ khả năng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, thì châu Âu lại chủ động tìm hướng tiếp cận mới để giải quyết vấn đề. 

Châu Âu lần này đã chủ động cùng Nga thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Bộ tứ Nócmanđi tại Minsk. 17 giờ thảo luận căng thẳng thâu đêm cũng đã mang lại một tin tốt, một hy vọng mới giải quyết khủng hoảng Ukraine. Dù biết rằng sự thành công của thỏa thuận trên thực tế là không hề dễ dàng, nhưng châu Âu tin rằng đây là hướng đi đúng. 

Ủy viên cấp cao phụ trách các chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu Federica Mogherini nói: “Đây là một bước đi đúng hướng và là một bước tiến quan trọng dù rằng chúng ta biết rõ rằng nó sẽ không giúp giải quyết tất cả các vấn đề. Nhưng kết quả cuộc gặp thượng đỉnh vấn là một tin tốt. Điều quan trọng lúc này là chờ xem lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực như thế nào vào từ 00 giờ ngày 15-02 tới”. 

Sau nỗ lực để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, lãnh đạo Bộ tứ Nócmanđi cũng nhất trí thiết lập một cơ chế kiểm soát cũng theo thể thức Nócmanđi bao gồm lãnh đạo của bộ Ngoại giao. Nhóm này sẽ họp định kỳ về tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk thứ 2. Bộ tứ cũng ủng hộ Giải pháp tổng thể mà Nhóm Tiếp xúc về Ukraine ký cùng ngày tại Minsk, đồng thời sẽ dùng ảnh hưởng của mình đối với các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện những giải pháp này.

Lãnh đạo 4 nước Nócmanđi cũng nhất trí rằng củng cố hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và Nga sẽ thúc đẩy giải quyết được cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cụ thể là sẽ tiếp tục đàm phán 3 bên về vấn đề năng lượng để phát triển tiếp các biện pháp tạm thời cho mùa đông trong lĩnh vực khí đốt. 

Đàm phán 3 bên cũng sẽ đề ra giải pháp chính trị cho những vấn đề mà Nga lo ngại liên quan đến thỏa thuận về Khu vực thương mại tự do giữa Ukraine và Liên minh châu Âu. Theo đó, các cuộc đàm phán này sẽ được nối lại ngay lập tức./.