Kể từ khi 2 khu vực Donetsk và Lugansk tiến hành bầu cử, tình hình tại Ukraine nảy sinh thêm nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi các cuộc giao tranh vẫn xảy ra tại khu vực Donetsk, chính quyền Kiev đang có những động thái nhằm cô lập, phong tỏa Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk, hai nhà nước tự xưng  không nằm trong tầm kiểm soát của Kiev.

big_fsgy.jpgXe tăng của quân đội Ukraine tại miền Đông Ukraine (Ảnh Russia Insider)

Ngày 6/11, Chính phủ Ukraine tuyên bố áp dụng việc kiểm tra hộ chiếu đối với những người ra vào khu vực đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Theo quy định của chính quyền Kiev, người dân Ukraine sẽ được phép qua lại, trong khi người nước ngoài sẽ được chuyển tới các điểm kiểm tra để xác định mục đích của họ khi tới vùng này và vẫn phải xuất trình thị thực.

Giới chức Ukraine cho biết đây là một biện pháp an ninh để cô lập các khu vực đang xảy ra chiến sự ở miền Đông, nơi chính phủ đang tiến hành cái gọi là "chiến dịch chống khủng bố". Mặc dù đại diện lực lượng biên phòng Ukraine nhấn mạnh việc áp dụng quy định trên không có nghĩa Kiev đang từ bỏ chiến dịch giành lại các khu vực hiện do lực lượng đòi độc lập kiểm soát này, song có ý kiến cho rằng quy chế kiểm tra hộ chiếu như vậy chẳng khác gì tạo ra "một đường biên giới nội địa".

Trước đó, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho biết, sẽ tạm dừng những khoản chi tiêu cho phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế ở các khu vực do phe đối lập nắm quyền kiểm soát.

Trong khi đó, bất chấp hai bên đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn vào đầu tháng 9, hàng loạt cuộc chiến khốc liệt vẫn nổ ra ở các thành phố miền Đông, biến thỏa thuận ngừng bắn trở nên vô giá trị.

Phó Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Ravil Khalikov thông báo rằng, quân đội Ukraine đã phát động "chiến tranh toàn diện" nhằm vào tất cả các vị trí của họ để tìm cớ thu hồi đạo luật đã ban hành, trong đó công nhận tình trạng đặc biệt của khu vực Donbass.

Lực lượng tự vệ Donetsk cho biết, họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng xe tăng và phá hủy ít nhất 5 xe bọc thép của lực lượng chính phủ Kiev ở ngoại ô Donetsk. Ít nhất hai dân thường đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong các cuộc tấn công.

Trong khi đó, chính quyền Kiev đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng đã phát động một cuộc tấn công mới ở Donetsk và vẫn đang tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hòa bình ngày 5/9.

Ngoài ra, quân đội Ukraine cho biết ba binh sĩ của họ đã thiệt mạng vào ngày 6/11 trong các cuộc tấn công của lực lượng đối lập và cho biết họ đã có 26 cuộc đụng độ pháo binh riêng biệt với phe này.

Phản ứng trước tình hình mới nhất tại Ukraine, Nga đã chỉ trích Kiev vi phạm các thỏa thuận hòa bình, cho rằng thay vì tìm cách làm dịu những căng thẳng tại miền Đông Ukraine, chính quyền Kiev lại tăng cường cuộc tấn công quân sự nhằm vào lực lượng đối lập.

Theo quan điểm của Nga, cách tốt nhất hiện nay để “đóng băng cuộc xung đột” Ukraine, đó là lực lượng đối lập và quân đội Chính phủ phải tham gia đàm phán trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, cho đến nay Kiev vẫn chưa tiến hành đàm phán với phe đối lập, khiến triển vọng hòa bình khó đến sớm được với khu vực miền Đông Ukraine.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga tối 6/11 cho biết, Moscow từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán về việc giải quyết khủng hoảng tại phía Đông Ukraine, trong đó có sự tham gia đại diện Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ Ukraine Yatsenyukkêu gọi sự cần thiết về việc nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết tình hình ở vùng Donbass, trong đó nhấn mạnh sự tham gia của Ukraine, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga.

Bày tỏ lo ngại trước tình hình tại khu vực miền Đông Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kêu gọi các bên tại Ukraine thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn Minsk ký hôm 5/9.

Ông Alexander Hug, Phó Phụ trách Nhiệm vụ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu cho biết: “Chúng tôi vẫn nhận được báo cáo bày tỏ mối quan ngại về việc thực hiện thiếu nghiêm túc thỏa thuận Minsk. Các bên vẫn tiếp tục sử dụng các loại vũ khí. Sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên vẫn còn rất thấp”

Trong một tuyên bố, Liên minh châu Âu đánh giá tình hình hiện nay tại Ukraine là “cực kỳ tiêu cực”.

Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 6/11, người phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh Châu Âu, bà Federica Mogherini cho biết: “Cái gọi là cuộc bầu cử tại khu vực miền Đông Ukraine đã khiến tình hình trở nên rất tiêu cực khi hôm qua đã có thêm người chết. Rõ ràng là tình hình đã không được cải thiện và chúng tôi cần phải thảo luận các bước đi tiếp theo cả về mặt chính trị và đối thoại cũng như các biện pháp trừng phạt”.

Thỏa thuận Minsk từng được kỳ vọng là nhân tố giúp chấm dứt xung đột kéo dài ở miền Đông Ukraine. Thế nhưng, việc nước Cộng hòa nhân dân Lugansk và Donetsk tự xưng đứng ra tổ chức bầu cử hôm 2/11 đã làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn. Hiệp định hòa bình này đang có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn khi các bên liên tục có các cuộc xung đột với tần suất ngày càng dày đặc hơn./.