Ngoài ra, theoAFP, thỏa thuận này cũng giúp xây dựng lại lòng tin giữa hai nước láng giềng là Nga và Ukraine. 

Nga và EU thống nhất, Ukraine thì không 

Ngày 26/9, sau các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài nhiều giờ tại thủ đô Berlin, Cao ủy phụ trách năng lượng của EU Guenther Oettinger đã tuyên bố tranh cãi kéo dài 3 tháng về vấn đề cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu đã được giải quyết. 

khi_dot_cxqw.jpgNhà máy xử lý khí đốt Shebelinsky của Tập đoàn dầu khí quốc gia Naftogaz (Ukraine) tại thành phố phía Đông Bắc Kharkiv (Ảnh AFP)

Theo ông Oettinger, ông và Bộ trưởng năng lượng Nga đã thống nhất rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ được ký sau khi đã tham vấn cả Moscow và Kiev vào đầu tuần tới. 

Tuy nhiên, các quan chức năng lượng hàng đầu của Ukraine ngày 27/9 đã tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” với Moscow về cả giá khí đốt và cả việc Moscow cáo buộc Kiev còn nợ hàng tỷ USD tiền mua khí đốt. 

“Sẽ không có quyết định cuối cùng nào được thông qua. Sẽ không có bất kỳ một văn bản nào được ký”, Chủ tịch tập đoàn Naftogaz Andriy Kobolev viết trên Facebook của mình. 

Theo AFP, việc nối lại việc cung cấp khí đốt từ Nga không chỉ giúp Ukraine không phải tiến hành các biện pháp cắt giảm việc sử dụng năng lượng một cách quá hà khắc trong thời tiết băng giá mà còn đảm bảo rằng dòng khí đốt từ Nga chảy sang châu Âu sẽ không bị gián đoạn. 

Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều đã mất lòng tin vào nhau và thiện chí cuối cùng giữa hai nước giờ chỉ còn dựa vào một lệnh ngừng bắn rất mong manh mà Kiev đã ký với lực lượng đối lập ở miền Đông. 

Tranh cãi về giá khí đốt 

Ông Oettinger cho biết, thỏa thuận nhượng bộ về khí đốt sẽ giúp Ukraine nhận được khoảng 5 tỷ m3 khí đốt trong vòng 6 tháng tới nếu chịu trả trước cho Nga số tiền 3,1 tỷ USD. 

Số khí đốt này là đủ cho Ukraine có thể sống yên ổn qua mùa Đông khắc nghiệt tại đây. 

Ngoài ra, giá khí đốt sẽ ở mức 385 USD/1.000m3, thấp hơn 20% giá mà Nga đưa ra vào tháng 2 năm nay sau việc Tổng thống khi đó tại Ukraine là ông Yanukovich bị lật đổ. 

Cao ủy phụ trách năng lượng của EU Guenther Oettinger (Ảnh Reuters)

Tuy nhiên, Nga cho rằng số tiền 3,1 tỷ USD mới chỉ là một phần trong khoản nợ lên đến 5,3 tỷ USD mà Ukraine nợ Nga năm ngoái do gặp khó khăn về kinh tế. 

Moscow cũng nhấn mạnh, cái giá 385USD/1.000m3 chỉ là tạm thời và sẽ không như thế vào mùa Xuân năm sau. 

“Cơ hội để chúng tôi đạt được thỏa thuận cuối cùng dựa trên những điều khoản nói trên là khá cao”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết. 

Tuy nhiên, Ukraine phủ nhận các điều trên và bản thân ông Oettinger cũng không thể chỉ ra được là bên nào đang sai. 

“Còn quá nhiều bất đồng giữa Nga và Ukraine”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Yuriy Prodan tuyên nố ngay sau khi các cuộc đàm phán tại Berlin đổ vỡ. 

Cả Naftogaz và Gazprom đã nộp đơn kiện lẫn nhau lên một tòa án trọng tài quốc tế tại Stockholm. 

Ông Oettinger cho rằng, một thỏa thuận lâu dài giữa hai bên chỉ có thể đạt được sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa vào giữa năm 2015. 

Mỹ muốn giúp Ukraine nhưng châu Âu vẫn cần Nga 

Một quan chức Mỹ ngày 27/9 cho biết Washington sẵn sàng giúp Ukraine thu hút đầu tư từ Mỹ nếu Kiev có thể chặn đứng nạn tham nhũng tại nước này. 

“Mỹ có trách nhiệm giúp Ukraine xây dựng một quốc gia ổn định và thịnh vượng vì điều đó mang lại lợi ích cho người dân Ukraine”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker tuyên bố sau cuộc gặp với lãnh đạo Ukraine tại Kiev. 

Hiện đường ống dẫn khí của Ukraine mới chỉ vận chuyển khoảng 15% lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu. 

Tuy nhiên, nhiều nước lớn trong EU, như Italy lại phụ thuộc rất lớn vào tuyến đường ống dẫn khí đốt của Ukraine để nhập khí đốt từ Nga và Italy sợ rằng Kiev sẽ phải chấp thuận yêu cầu của Nga khi mà mùa Đông đang đến gần. 

Quân Chính phủ Ukraine tuần tra trên xe thiết giáp tại miền Đông (Ảnh AFP)

Việc không đạt được những tiến bộ đáng kể nào trong việc đàm phán về khí đốt giữa Nga và ukraine diễn ra khi mà quan hệ giữa hai nước này đang phụ thuộc rất nhiều vào thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine vốn được cống bố vào đầu tháng 9 này. 

Các quan chức Nga và Ukraine vẫn rất thận trọng trong ngày 26/9 khi bàn về việc thiết lập một khu vực vùng đệm dài 30km dọc theo khu vực chiến sự để đảm bảo rằng cuộc chiến kéo dài hơn 5 tháng qua tại miền Đông sẽ không tái diễn. 

Theo đó, Bộ Quốc phòng Ukraine khẳng định, phe đối lập và quân Chính phủ sẽ từ từ rút quân nếu như không bên nào vi phạm lệnh ngừng bắn trong vòng 2 ngày tới./.