Ngày 29/11, tại New York (Mỹ), Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tiến hành bỏ phiếu về việc nâng cấp quy chế của Palestine tại LHQ từ quan sát viên thành nhà nước quan sát phi thành viên.

Mặc dù Palestine chưa trở thành thành viên chính thức của LHQ, song đây là bước đi quan trọng trong việc công nhận nhà nước Palestine độc lập. Dư luận thế giới nhìn chung đều ủng hộ Palestine, ngoại trừ Mỹ, Israel và một số nước khác, vì họ cho rằng, đối thoại giữa Israel và Palestine là cách tốt nhất để hướng tới một giải pháp hai nhà nước.

tong-thong-abaas.jpg
Tổng thống Palestine Abbas phát biểu với báo giới về công bố dự thảo nghị quyết về nâng cấp quy chế tại LHQ (Ảnh: AP)

Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour cho biết, ngày 29/11, Tổng thống Palestine chính thức đệ trình bản dự thảo nghị quyết đề nghị nâng cấp quy chế của Palestine tại LHQ. Đây được coi là “thời khắc lịch sử” đối với người dân Palestine.

Mặc dù còn có sự chia rẽ giữa các phe phái chính trị tại Palestine về việc nâng cấp quy chế Palestine tại LHQ, song đông đảo người dân Palestine tại Bờ Tây, dải Gaza và đông Jerusalem bày tỏ vui mừng trước sự kiện mang tính lịch sử này.

Một người dân nói: “Tôi ủng hộ việc nâng cấp quy chế của Palestine tại LHQ. Hy vọng chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tình hình quốc tế hiện nay có lợi cho chúng tôi”.

Người dân khác bày tỏ: “Việc nâng cấp quy chế của Palestine thành nhà nước quan sát phi thành viên tại LHQ sẽ giúp chúng tôi tiếp tục đấu tranh bảo đảm quyền lợi của mình”.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ, Mỹ và Israel tiếp tục bày tỏ quan điểm phản đối việc nâng cấp quy chế cho Palestine tại LHQ. Họ cho rằng, sẽ không có lợi cho việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước và tiến trình hòa bình Trung Đông.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat đang có mặt tại New York, lên tiếng chỉ trích việc Mỹ cản trở cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước Palestine: “Mỹ không thay đổi chính sách đối với Palestine. Họ đã tuyên bố không bỏ phiếu công nhận nhà nước Palestine tại LHQ. Tổng thống Abbas cũng đã lên tiếng phản đối. Chúng tôi có mặt ở đây không phải là để đối đầu với người Mỹ hay cô lập Israel, mà là để thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước với đường biên giới năm 1967”.

Trong số các nước phương Tây, Pháp là nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ Palestine, tiếp đến là một số nước khác như Áo, Đan Mạch, Thụy Sỹ. Việc Pháp - ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, tuyên bố ủng hộ Palestine sẽ “tạo ra hiệu ứng tốt” đối với một số nước khác còn phản đối.

Trong khi đó, Đức cho rằng, việc Israel và Palestine thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm tìm ra giải pháp hai nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.

Phát biểu trước Cộng đồng người Do Thái ở thủ đô Berlin ngày 28/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Hai bên phải quyết định khi nào sẽ tiến hành các cuộc đàm phán. Chúng tôi chỉ có thể ủng hộ việc hai bên đàm phán về hai nhà nước độc lập là: Israel cùng tồn tại hòa bình với nhà nước Palestine có đầy đủ chủ quyền”.

Để được công nhận là nhà nước phi thành viên, Palestine phải nhận được sự đồng ý của ít nhất 2/3 số nước thành viên LHQ. Đến nay, đã có khoảng 130 quốc gia lên tiếng ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập. Do đó, cơ hội giành đủ số phiếu cần thiết của Palestine được đánh giá là khá lạc quan./.