Theo kế hoạch, ngày 29/11, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu thông qua việc trao quy chế nhà nước quan sát viên - phi thành viên cho Palestine.

Cơ hội để Palestine nhận đủ số phiếu trở thành nhà nước quan sát viên tại cuộc bỏ phiếu lần này là khá cao, vì hiện đã có khoảng 130 nước ủng hộ nhà nước Palestine độc lập.

 

tong%20thong%20abbas.jpg
Chính quyền của Tổng thống Abbas vẫn không từ bỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu độc lập (ảnh: SundayTimes)

Nhiều người dân Palestine tại khu Bờ Tây và dải Gaza hôm qua xuống đường tuần hành bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong nỗ lực đưa Palestine trở thành nhà nước quan sát viên - phi thành viên tại Liên Hợp Quốc:  “Chúng tôi hy vọng Tổng tống Mahmoud Abbas sẽ giành được thắng lợi trong việc xây dựng nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Jerusalem”.

“Mọi công dân cũng như các phong trào Hồi giáo đều ủng hộ tổng thống Abbas. Là những công dân dải Gaza đang bị bao vây phong tỏa, chúng tôi ủng hộ ông ấy, chúng tôi có quyền có nhà nước như các quốc gia khác”.

Người phát ngôn của phong trào Hamas, hiện đang kiểm soát dải Gaza cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Tổng thống Abbas:  “Phong trào Hamas sẽ nỗ lực góp phần vào chiến thắng của người Palestine. Chúng tôi hoan nghênh việc nâng cấp quy chế nhà nước Palestine tại Liên Hợp Quốc. Chúng tôi mong muốn điều đó được thực hiện thông qua một chương trình quốc gia và bảo đảm các quyền của người Palestine”.

Sau khi không thành công trong nỗ lực đề nghị Liên Hợp Quốc trao quy chế thành viên chính thức do Mỹ bỏ phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2011, chính quyền của Tổng thống Abbas vẫn không từ bỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu độc lập.

Để được công nhận là nhà nước phi thành viên, Palestine phải nhận được sự đồng ý của 2/3 số nước thành viên Liên Hợp Quốc. Đến nay, đã có khoảng 130 quốc gia lên tiếng ủng hộ nhà nước Palestine độc lập. Cơ hội giành đủ số phiếu cần thiết của Palestine được đánh giá khá lạc quan. Điều quan trọng là tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Mỹ không có quyền phủ quyết và quá trình bỏ phiếu tại đây không cần thông qua Hội đồng Bảo an./.