Với số phiếu áp đảo ủng hộ độc lập, nhưng khu vực này cũng đang đối mặt với sự cô lập quốc tế mạnh mẽ với những cảnh báo về nghèo đói và các biện pháp trừng phạt.

kurd_uaoz.jpg
Người Kurd tại Iraq không khỏi lo lắng trước những lời đe dọa bị cô lập từ các quốc gia trong khu vực. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 27/9 yêu cầu hủy kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 25/9 về độc lập cho khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc nước này. Theo kết quả cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq, với tỷ lệ tham gia bỏ phiếu đạt 72%, có gần 93% cử tri người Kurd tại Iraq bỏ phiếu ủng hộ độc lập. 

Ông Al-Abadi tuyên bố, chính phủ sẽ không bao giờ tiến hành đàm phán về kết quả cuộc trưng cầu này, đồng thời khẳng định "sẽ áp dụng luật pháp Iraq trên toàn bộ vùng tự trị của người Kurd theo hiến pháp".

Người phát ngôn văn phòng Thủ tướng Iraq Saad al-Hadithi khẳng định: “Lập trường của chúng tôi về cuộc trưng cầu ý dân người Kurd là luôn rõ ràng và chắc chắn.

Chúng tôi phản đối cuộc trưng cầu ý dân bởi vì không phù hợp với Hiến pháp và không có cơ sở pháp lí. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân không có tính ràng buộc về mặt pháp lí. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân”.

Cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Chính phủ Iraq và cộng đồng quốc tế với cảnh báo những hậu quả hỗn loạn chính trị trong khu vực.

Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều lo ngại cuộc trưng cầu về độc lập của người Kurd ở Iraq sẽ kích động chủ nghĩa ly khai tại các khu vực có cộng đồng người Kurd sinh sống.

Không chỉ là những cảnh báo, một số nước trong khu vực đã đưa ra các biện pháp nhằm cô lập khu vực người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cảnh báo sẽ có các biện pháp trừng phạt chống lại khu vực người Kurd, bao gồm đóng các cửa khẩu biên giới. Thương mại tại khu vực biên giới giữa khu vực người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ đạt khoảng 5 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2017. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng, khu vực người Kurd tại phía Bắc Iraq sẽ đối mặt với đói nghèo nếu các biện pháp trừng phạt được áp đặt: “ Chúng tôi bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt. Mọi thứ sẽ kết thúc khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa đường ống dầu, tất cả các lợi nhuận sẽ biến mất. Họ sẽ không thể tìm thấy thực phẩm khi các xe tải của chúng tôi bị dừng đến khu vực phía Bắc Iraq”.

Các hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Ai Cập, Jordan và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 27/9 thông báo sẽ ngừng mọi chuyến bay đi và đến khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng, nhiều chuyên gia quốc tế đều khẳng định, thực tế cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì sự kiện này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, với các biện pháp gia tăng sức ép của chính quyền Baghdad cùng các nước láng giềng, có thể gây ra những tổn thất lớn đối với khu vực người Kurd. Một khu vực phía Bắc Iraq bất ổn không phải là một lựa chọn cho bất cứ ai.

Vì vậy, giới chuyên gia phân tích cho rằng, có nhiều khả năng cơn bão này sẽ qua đi nếu người Kurd không có bất cứ bước đi vội vã nào hướng tới độc lập sau cuộc trưng cầu ý dân. Sự lo lắng đối với các nước láng giềng cũng có thể  được giảm nhẹ nếu không có những tuyên bố đầy đủ về độc lập của khu vực người Kurd. 

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, cuộc trưng cầu ý dân này là sự đánh cuộc nguy hiểm về vai trò của người Kurd trong khu vực của người đứng đầu chính quyền Khu tự trị người Kurd tại Iraq ông Masoud Barzani.

Tuy nhiên, nó cũng là bước đi chiến lược trong vấn đề nội bộ chính trị khu vực. Cuộc bầu chọn về lãnh đạo và thành phần ban lãnh đạo người Kurd dự kiến diễn ra  vào mùng 1/11 tới.

Nhiệm kì lãnh đạo của ông Masoud Barzani kết thúc vào năm 2015 nhưng ông tiếp tục tại nhiệm và đã vấp phải sự phản đối của một số thành viên trong chính quyền.

Với các cuộc bầu cử đang đến gần, một cuộc trưng cầu ý dân với kết quả áp đảo như hiện nay sẽ là một bước đà lợi thế cho ông Masoud Barzani trong cuộc chiến với các thế lực đối lập./.