Vấn đề là cuộc trưng cầu này sẽ có thể khởi phát cho tư tưởng ly khai trỗi dậy trong cộng đồng người Kurd tại những nước láng giềng như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria. Sự kiện này vì thế là điểm bắt đầu cho một cuộc khủng hoảng mới cho tại khu vực vốn đang phải vật lộn với cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng suốt nhiều năm qua.
Cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của cộng đồng người Kurd ở Iraq đã được tổ chức tại 3 tỉnh miền bắc của khu tự trị người Kurd là Sulaimaniyah, Dohuk và Arbil, cũng như ở các khu vực giáp biên giới có tranh chấp. Theo đó, các điểm bỏ phiếu tại miền bắc Iraq đã bắt đầu mở cửa từ 8h sáng (giờ địa phương) hôm qua (25/9).
Các nguồn tin khu vực phản ánh, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở khu vực Sulaymaniyah rất ít. Trong khi đó, một giờ trước khi đóng các hòm phiếu, Ủy ban Bầu cử đã thông báo rằng tỷ lệ tham gia đạt 75%. An ninh ở các khu vực trên được tăng cường và một lệnh giới nghiêm đã được áp dụng.
Nhiều thông tin cho thấy rằng, khả năng cuộc trưng cầu dân ý tại ba tỉnh phía bắc Iraq nói trên sẽ đi đến một kết quả như mong đợi của lãnh đạo người Kurd, với việc đảm bảo đủ số phiếu ủng hộ tại các vùng đất tranh chấp bên ngoài khu vực, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của một số người Turmenistan, Arập và các sắc tộc thiểu số khác.
Người Kurd ước mơ xây dựng một quốc gia
Ngay từ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, nhiều chuyên gia nhận định, cho dù kết quả đạt được như thế nào thì cuộc trưng cầu dân ý về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập. Bởi thực tế, cuộc trưng cầu lần này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý.
Có ý kiến cho rằng, với kết quả ủng hộ một nền độc lập, người Kurd hướng đến mục tiêu chính là: nhằm tạo thêm ưu thế, cũng như gia tăng những đòi hỏi lợi ích về chính trị, kinh tế trong tham gia đàm phán với chính quyền tại Baghdad. Theo đó, người Kurd đòi hỏi được trao quyền “tự trị” hoàn toàn ở các vùng lãnh thổ giành được từ cuộc chiến chống các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bên cạnh đó, cộng đồng này còn mong muốn được phân chia công bằng trong khai thác nguồn tài nguyên giàu dầu mỏ ở các khu vực tranh chấp như tỉnh Kirkuk, điều mà từ lâu nay luôn bị cộng đồng người Arab, Turkmenistan và chính phủ Baghdad kịch liệt phản đối.
Trong một tuyên bố mới đây, thủ lĩnh đảng dân chủ người Kurd ở Iraq (KDP), Massud Barzani khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý lần này không phải là để xác định lại các đường biên giới hay tạo nên một sự đã rồi. Người Kurd muốn một cuộc đối thoại với chính quyền tại Baghdad nhằm giải quyết các vấn đề, và cuộc đối thoại này có thể kéo dài một đến hai năm.
Về lâu dài, người Kurd vẫn mong muốn thoát khỏi “cai trị” của chính quyền Baghdad và xây dựng một nhà nước độc lập. Tuy nhiên, người Kurd thừa hiểu rằng, một nhà nước độc lập là hoàn toàn không thể khi họ không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Và rõ ràng, với việc người Kurd đang kiểm soát các vùng đất tranh chấp và khả năng có được một kết quả tốt từ cuộc trưng cầu dân ý, thì đây sẽ là những ưu thế quan trọng trong đàm phán với Baghdad trên con đường hướng tới nền độc lập thời gian tới.
Phản ứng của các nước
Cuộc trưng cầu của khu vực tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Baghdad và một số nước trong khu vực có người Kurd sinh sống, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran, do lo ngại điều này có thể kích động chủ nghĩa ly khai.
Người Kurd ở Iraq bỏ phiếu đòi độc lập bất chấp phản đối từ Baghdad
Ngay khi cuộc trưng cầu diễn ra, Iran tuyên bố đóng cửa biên giới với khu vực của người Kurd ở miền Bắc Iraq, nhằm đáp trả cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của cộng đồng này. Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ, Tehran đã đóng cửa biên giới trên không và trên bộ với khu vực của người Kurd theo đề nghị của Chính phủ Iraq, đồng thời khẳng định cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd là "bất hợp pháp và không được công nhận".
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ có biện pháp nhằm đáp trả lại động thái của cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq, bao gồm các lĩnh vực an ninh, ngoại giao, chính trị và kinh tế.
Phát biểu tại buổi họp báo hôm 25/9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd tại Iraq đã đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara sẽ không bao giờ chấp nhận thay đổi nguyên trạng tại Iraq hay Syria. Ông Yildirim nhấn mạnh, các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ với Iraq, Iran và các nước láng giềng.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ chấp nhận ý tưởng về một nhà nước người Kurd độc lập tách khỏi Iraq, vì điều này sẽ gây nên hiệu ứng “Domino”, khiến nhóm người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm điều tương tự, từ đó đe dọa trực tiếp đến an ninh của Ankara.
Cùng ngày (25/9), Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cũng đưa ra tuyên bố, chính phủ nước này bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd ở Iraq. Theo ông al-Moualem, chính quyền Damascus chỉ công nhận một nhà nước Iraq thống nhất và bác bỏ bất kỳ thủ tục nào dẫn tới sự chia tách đất nước Iraq.
Tác động của Mỹ đối với cộng đồng Kurd
Mục tiêu ban đầu của Mỹ là muốn lãnh đạo người Kurd tại Iraq đối thoại nghiêm túc và lâu dài với Baghdad về mọi vấn đề liên quan, trong đó có tương lai mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu vừa qua đã khiến kế hoạch của Mỹ ở khu vực bị ảnh hưởng, nhất là làm gián đoạn chiến dịch chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và gây bất ổn cho chính phủ tại Baghdad.
Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch chống IS tại Iraq, Mỹ đã xem người Kurd là một đồng minh chủ chốt, khuyến khích cộng đồng này tìm kiếm quyền tự trị nhưng không phải là nền độc lập hoàn toàn, bởi Washington lo ngại sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và phá hoại trật tự trong khu vực.
Với những lợi ích như đã đề cập, giải pháp duy nhất cho Mỹ lúc này là phủ nhận hoàn toàn kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Iraq, đồng thời kêu gọi Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế cùng nhanh chóng thúc đẩy một tiến trình đàm phán hòa bình giữa lãnh đạo người Kurd với chính quyền Baghdad./.