Nhiều quan chức trong chính quyền và Nghị viện vùng Catalonia tuyên bố từ chối rời nhiệm sở trong ngày làm việc đầu tiên mà chính quyền Tây Ban Nha áp dụng điều 155 Hiến pháp tại Catalonia.
Trong ngày làm việc đầu tiên của các cơ quan hành chính vùng Catalonia kể từ sau khi chính quyền trung ương Tây Ban Nha tuyên bố áp dụng điều 155 Hiến pháp nước này để tước bỏ tự trị của vùng Catalonia, mâu thuẫn giữa các chính trị gia ly khai và chính quyền trung ương tiếp tục diễn ra.
Từ đầu giờ sáng thứ Hai (30/10), theo giờ địa phương, đám đông ủng hộ và phản đối Catalonia độc lập đã tập trung trước cửa của Generalitat, tức chính quyền vùng Catalonia ở Quảng trường Jaume, trung tâm thành phố Barcelona. Tuy nhiên, cho đến gần trưa, hầu như không có quan chức chính quyền Catalonia nào hiện diện.
Nhân vật được chờ đợi nhất là Thủ hiến vừa bị cách chức của Catalonia, và cũng là lãnh đạo phe ly khai ở vùng này, ông Carles Puigdemont không xuất hiện và cũng giữ thái độ im lặng trên các phương tiện truyền thông.
Một người phản đối Catalonia độc lập trước Generalitat.
Trong phát biểu gần nhất trước đám đông hôm 29/10, ông Carles Puigdemont kêu gọi người dân và quan chức Catalonia “bất tuân dân sự” trong ôn hoà và từ chối chấp hành mệnh lệnh từ chính quyền Tây Ban Nha.
Chỉ có một vài Uỷ viên hội đồng và dân biểu của Nghị viện Catalonia thông qua mạng xã hội tuyên bố là từ chối tuân thủ quyết định rời nhiệm sở.
Tuy nhiên, đến 11h sáng, theo giờ địa phương, chính phủ Tây Ban Nha đã phát đi cảnh báo là sẽ chỉ cho phép các quan chức và nghị sĩ Catalonia “một vài giờ để thu xếp đồ đạc cá nhân” và phải rời nhiệm sở trước khi chính phủ nước này buộc phải áp dụng biện pháp mạnh hơn.
Trong sáng thứ Hai, 30/10, phản ứng của lực lượng cảnh sát Catalonia là Mossos d’Esquadra cũng tương đối bình lặng. Nhiều xe cảnh sát của lực lượng này được bố trí đến bảo vệ các cơ sở hành chính của vùng Catalonia.
Xuất hiện trên truyền hình và trả lời phóng vấn báo chí nước ngoài, Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Alfonso Dastis cho biết lực lượng cảnh sát Catalonia “tuân thủ” chỉ đạo từ Madrid và chính phủ nước này thấy không cần thiết phải tăng viện cảnh sát quốc gia đến vùng Catalonia.
Tuy nhiên, các diễn biến trước mắt sẽ vẫn còn phức tạp khi phe ly khai ở Catalonia vẫn kiên quyết từ chối hợp tác và cũng tuyên bố sẽ không tham gia vào cuộc bầu cử vùng trước thời hạn ngày 21/12./.Ảnh: Người dân Catalonia rầm rộ biểu tình đòi ở lại trong Tây Ban Nha
Khủng hoảng Catalonia: Sự bừng tỉnh của “đa số im lặng”
Hệ lụy từ việc Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây ban Nha