Những gì thế giới đang chứng kiến ở Catalonia là một minh hoạ điển hình của quá trình mà một quốc gia có thể thống nhất và tan rã ra sao. Trong nội tại của quá trình đó, luôn tồn tại hai vế song song của một câu hỏi: các dân tộc đều có quyền tự quyết, nhưng một quốc gia vốn được cấu thành từ nhiều dân tộc khác nhau, cũng luôn có một nhu cầu chính đáng được duy trì một sự thống nhất và toàn vẹn về chủ quyền và lãnh thổ? Và như vậy, thì đâu là điểm để có thể hoà giải?Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy (trái) và cựu Thủ hiến Catalonia Puigdemont. Ảnh: Vozpopuli.
Trật tự quan hệ quốc tế hiện nay được dựng lên sau những cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20. Một thế kỷ trước, sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất dẫn đến sự tan rã của các nhà nước thành bang đồ sộ ở châu Âu như đế quốc Áo-Hung hay đế chế Ottoman, nhiều nhà nước nhỏ ra đời, kéo theo đó là đòi hỏi về quyền tự quyết của các dân tộc.
Điều tương tự cũng đến sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và sau làn sóng đánh đổ thực dân để giành độc lập của các nước thuộc địa trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Quyền của mỗi dân tộc được tự quyết định vận mệnh của mình đã được thể chế hoá thành một trong những quyền căn bản và tối cao mà dân tộc đó được hưởng. Chương đầu tiên của Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945 trân trọng ghi nhận quyền đó.
Nhưng rồi, cũng chính Liên Hợp Quốc, tổ chức trụ cột cho trật tự quan hệ quốc tế hiện nay, không khi nào ngừng nhắc lại một trong những nguyên tắc khai sinh khác của công pháp quốc tế, là quyền của mỗi quốc gia được bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Nghị quyết số 1514 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua năm 1960, dưới tên gọi “Tuyên bố về việc trao trả độc lập cho các quốc gia và các dân tộc thuộc địa” nêu rõ: mọi dân tộc đều được tự do quyết định thể chế chính trị, đường lối phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”, nhưng đồng thời nhấn mạnh, trong điểm 6 của chính Tuyên bố này, rằng “mọi ý định tiến tới huỷ hoại một phần hoặc toàn bộ sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia sẽ không phù hợp với tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Gần nửa thế kỷ sau, đến năm 2007, Liên Hợp Quốc đã nhắc lại điều này trong “Tuyên bố về quyền của các dân tộc bản địa”, rằng quyền tự quyết không đồng nghĩa với quyền ly khai, trừ trường hợp dân tộc đó là nạn nhân của một sự đàn áp tàn bạo.
Những gì đang diễn ra ở Catalonia hoàn toàn không đủ yếu tố để biện minh cho một cuộc phiêu lưu ly khai. Người dân Catalonia là công dân đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của đất nước Tây Ban Nha. Ở đó không có sự phân biệt về chủng tộc, hình dáng, màu da và hoàn toàn không có sự đàn áp bạo lực.
Những bất hoà giữa một chính quyền tự trị với chính quyền trung ương, mà cốt lõi xoay quanh câu chuyện quyền lực sử dụng thuế, không phải là lí do đủ lớn để đe doạ sự toàn vẹn và chủ quyền của một quốc gia thống nhất và pháp quyền như Tây Ban Nha. Đó là chưa kể, bản thân nội hàm “dân tộc Catalonia” cụ thể ra sao cũng đã là một tranh cãi không nhỏ về lịch sử và về tiến trình thực thi chủ quyền trong lịch sử của vùng đất này.
Tây Ban Nha hoan nghênh cựu Thủ hiến Catalonia tham gia bầu cử
Cuộc khủng hoảng Catalonia giờ đây đang tiến triển theo chiều hướng nguy hiểm. Quyền dân tộc tự quyết dường như đang bị cố tình sử dụng một cách phi lý trí, bởi những chính trị gia theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang muốn biến mình thành các nạn nhân “tử vì đạo” cho độc lập của Catalonia.
Điều này cần nhanh chóng chấm dứt, trước khi các hậu quả không thể cứu vãn xảy ra, dù trên thực tế thì hai bên đều đã bước qua điểm không thể quay đầu trở lại.
Cột mốc quan trọng bây giờ là ngày 21/12/2017, thời điểm mà chính phủ Tây Ban Nha ấn định để tổ chức một cuộc bầu cử vùng trước thời hạn. Đó là một sự kiện cần thiết, với tính chính danh rõ ràng và đầy đủ, để toàn bộ người dân Catalonia, thông qua lá phiếu của mình, quyết định tương lai tiếp theo mà họ muốn hướng đến.
Cuộc bỏ phiếu đó đáng chờ đợi và đáng được tôn trọng hơn nhiều cách thức mà các lãnh đạo ly khai Catalonia đã và đang hành xử trong nhiều tuần qua, với một cuộc trưng cầu ý dân vi hiến, không có đến quá bán (chỉ 43%) cử tri đi bầu, không có giám sát quốc tế và một tuyên bố độc lập vội vã trong Nghị viện Catalonia chiều 27/10, dù bị gần một nửa số Nghị sĩ tẩy chay và chính Uỷ ban pháp luật của Nghị viện đó coi là bất hợp pháp./.