Thành công của Hội nghị cũng là thành công của chính quyền Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trước sức ép ngày càng tăng của Mỹ và phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

iran_copy.jpg
Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi bắt tay  Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (ảnh: AP)

Trước thềm Hội nghị, dư luận còn e ngại về một thành công khi Tehran đang trong vòng vây cấm vận của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nước này. Tuy nhiên, với việc thông qua Văn kiện cuối cùng, thể hiện sự đồng thuận cao của các nước trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế đã chứng tỏ vai trò điều phối quan trọng của nước chủ nhà, đồng thời sẽ là Chủ tịch của NAM trong nhiệm kỳ 3 năm tới.

Ngay sau khi hội nghị kết thúc, truyền thông Iran khẳng định, đây là hội nghị thành công nhất trong lịch sử Iran và là một nỗ lực ngoại giao đánh bại những nước có tư tưởng chống lại Iran. 120 quốc gia có đoàn đại biểu tham dự Hội nghị tại Teheran - con số không hề nhỏ trong bối cảnh Iran đang bị bao vây, cấm vận của Mỹ và Phương Tây. Đặc biệt, trong số nhiều nước tham dự có những đồng minh thân cận của Mỹ như Australia, Ai Cập. Đặc biệt, Tổng Thư ký Ban Ki-moon lần đầu tiên hiện diện ở quốc gia Trung Cận Đông này kể từ khi nhậm chức năm 2007. 

Dư luận quốc tế cũng đánh giá cao về tầm quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết 16 và vai trò của Iran đối với phong trào này. Thủ tướng Nepal Baburam Bhattarai cho rằng, hội nghị này chứng tỏ Phong trào Không liên kết đang ngày càng phát triển vững mạnh và đang có tiếng nói nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế.

Ngoại trưởng Libya nhấn mạnh, việc Iran tổ chức thành công hội nghị cho thấy nước này đang đóng vai trò ngoại giao tích cực trên trường quốc tế. Còn Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cam kết sẽ ủng hộ vai trò lãnh đạo Phong trào Không liên kết của Iran trong vòng 3 năm tới. Ông nói: “Iran sẽ gánh vác trách nhiệm là Chủ tịch Phong trào Không liên kết trong thời gian tới. Thay mặt nhóm các nước Châu Á - Thái Bình Dương, tôi xin khẳng định ủng hộ hoàn toàn cho Iran trong vai trò này, không chỉ để tăng cường sự đoàn kết của Phong trào Không liên kết mà còn xây dựng mối quan hệ đối tác toàn cầu”.

Hội nghị Phong trào Không liên kết lần này cũng là một cơ hội để Iran chứng tỏ bản chất minh bạch của chương trình hạt nhân, khi cho phép Tổng thư kí LHQ Ban Ki-moon tới thăm các địa điểm hạt nhân. Tại hội nghị, Iran cũng đã nhận được  sự ủng hộ của nhiều nước về quyền sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Với việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết trong bối cảnh khó khăn hiện nay, uy tín của Iran đã được nâng lên đáng kể. Việc quốc gia Hồi giáo này tiếp quản nhiệm kỳ lãnh đạo Phong trào Không liên kết trong 3 năm tới từ Ai Cập cũng là cơ hội để tiếp tục nâng cao vai trò của Iran trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách làm tê liệt nền kinh tế và cô lập quốc gia này về mặt ngoại giao, nhằm buộc họ phải từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi./.