Chiến thắng của Đảng Syriza với chủ trương phản đối chính sách kinh tế khắc khổ có thể tác động tiến trình thực thi chính sách cơ bản nhằm khôi phục nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung Euro, cũng như của toàn Liên minh châu Âu.
Nếu đảng Syriza giành được 151 ghế sẽ trở thành Đảng cầm quyền mới của Hy Lạp, không phải liên minh với bất kỳ đảng phái nào khác trong Quốc hội. Không chờ công bố kết quả cuối cùng, Thủ tướng Hy Lạp Samaras đã lên tiếng thừa nhận thất bại, đồng thời tuyên bố tôn trọng quyết định của người dân.
Nếu kết quả được duy trì đến khi hoàn tất việc kiểm phiếu, thủ lĩnh Đảng, ông Alexis Tsipras 40 tuổi, nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Hy Lạp trong lịch sử 150 năm qua, đồng thời là Thủ tướng đầu tiên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc của Liên minh châu Âu.
Với chủ trương rõ ràng phản đối chính sách kinh tế hà khắc dài suốt 5 qua tại Hy Lạp, ông Tsipras từng tuyên bố trước bầu cử rằng, trong vài ngày nữa “các kế hoạch khắc khổ sẽ thuộc về quá khứ, một tương lai tốt đẹp có thể bắt đầu từ đây". Đảng Syriza cũng cam kết sẽ ngừng cắt giảm lương và chi tiêu công, đồng thời yêu cầu đàm phán lại với các nhà cứu trợ quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về những điều kiện của gói cứu trợ tài chính trị giá hàng trăm tỷ Euro.
Phát biểu trước hàng nghìn người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng, lãnh đạo Đảng, ông Tsipras tuyên bố lịch sử của Hy Lạp đã mở sang trang mới: “Hy Lạp đang bước sang một trang mới, khép lại 5 năm khó khăn đối với người dân. Chiến thắng của chúng tôi cũng là chiến thắng của tất cả người dân châu Âu đang chống lại những chính sách khắc khổ, đang phá hủy tương lai chung của toàn châu Âu. Chiến thắng này đã cho chúng tôi một cơ hội rất lớn trong mối quan hệ giữa Hy Lạp và châu Âu, với một chính sách mới, một quan hệ mới, dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng, đoàn kết và trách nhiệm”.
Phát biểu của ông Tsipras cho thấy, dù không ủng hộ chính sách kinh tế hà khắc của Liên minh châu Âu song ông không muốn Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung Euro mà ngược lại sẽ cam kết sẽ cố gắng giữ Hy Lạp ở lại liên minh tiền tệ này.
Để nhận được gói cứu trợ trị giá 320 tỷ Euro, cứu nền kinh tế khỏi vỡ nợ, các chủ nợ quốc tế đã cam kết cho Hy Lạp vay với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng rất nghiêm ngặt. Các chính sách cắt giảm chi tiêu công, giảm bớt lao động khiến tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên tới mức cao kỷ lục 24,8%. Và hơn ai hết, người dân Hy Lạp đều hi vọng rằng cuộc bầu cử sẽ chọn được Đảng cầm quyền xứng đáng giúp cải thiện tình hình đang rất khó khăn hiện nay.
Một số người dân ở thủ đô Athen bày tỏ: “Tôi đã bỏ phiếu cho người mà tôi tin rằng sẽ giúp đất nước này và làm điều gì đó cho chúng tôi. Chúng tôi đã chịu nhiều khó khăn bởi những chính sách không hợp lòng dân thời gian qua”.
“Tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Dù ai được chọn làm Thủ tướng sẽ phải làm việc vì lợi ích dân tộc. Tôi đã khá mệt mỏi với những lời hứa của các chính trị gia, nhưng dù sao cũng phải chờ xem những gì sẽ xảy ra. Tôi tin vào sự thay đổi”.
Tuy nhiên, ông Tsipras cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Hy Lạp chưa thực sự thoát khỏi suy thoái. Hiện quốc gia này vẫn đang phải gánh khoản nợ công lên tới 175% GDP cùng với nhiều hệ lụy khác từ cuộc suy thoái kinh tế trong 5 năm qua.
Trong khi đó, không ít các thành viên của Liên minh Châu Âu lo ngại, việc đảng Syriza ở Hy Lạp giành chiến thắng sẽ khiến cho các chính sách khắc khổ của Châu Âu rơi vào bế tắc và khi đó "lục địa già" này có thể sẽ phát sinh những rủi ro kinh tế mới./.