Chưa bao giờ Liên minh châu Âu lại đối mặt với nhiều mối nguy cơ như hiện nay. Không chỉ là thách thức từ cuộc chiến chống khủng bố, mà còn từ cuộc khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp đang đe dọa làm đổ vỡ các chính sách kinh tế của khối sau nhiều năm khủng hoảng và thậm chí đẩy khối này tới bờ vực một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng.
Lãnh đạo đảng Syria Alexis Tsipras nói: “Chúng ta cần phải đàm phán lại vấn đề nợ công cũng như kế hoạch cứu trợ. Bởi đã đến lúc phải chấm dứt một chính quyền đã đẩy người dân Hy Lạp vào tình trạng đói nghèo, thất nghiệp và tuyệt vọng.”
Tuy nhiên, về vấn đề này, EU từng tuyên bố chưa sẵn sàng nhượng bộ và nước Đức thậm chí còn tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố, các thành viên Eurozone sẽ vẫn sống tốt nếu không có Hy Lạp, còn Hy Lạp thì không thể sống nếu rời khỏi vòng tay của khu vực này.
Trong suốt thời gian kể từ khi khủng hoảng ở Eurozone nổ ra cuối năm 2009, Hy Lạp vẫn luôn nằm ở chính giữa “tâm bão”. Đây là nước đầu tiên nhận được gói cứu trợ quốc tế và cũng là nước đầu tiên trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận về khả năng một nước phải rời khỏi khối đồng tiền chung. Tuy nhiên khác với trước đây khi EU tìm mọi cách giữ chân Hy Lạp thì nay lại khác.
Theo chính phủ Pháp, nếu Hy Lạp muốn rời khỏi Eurozone, hãy cứ để họ ra đi vì kết quả bầu cử phản ánh ý nguyện người dân. Bởi bối cảnh hiện nay và trước đây là hoàn toàn khác khi mà các quốc gia phải nhận cứu trợ của châu Âu như Iceland hay Bồ Đào Nha đều đã tăng trưởng trở lại và tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống. Trong khi đối với Hy Lạp, tách khỏi Eurozone không phải là dễ dàng. EU từng tuyên bố, dù ra khỏi Khu vực đồng Euro, Hy Lạp cũng phải thanh toán hết các khoản nợ.
Ông George Pagoulatos, Giáo sư chính trị và kinh tế châu Âu thuộc Đại học Athen nói:“Khoảng cách về lập trường giữa Syriza và Eurozone hay nhóm bộ 3 chủ nợ là khá xa nhau. Tuy nhiên chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn bầu cử và tôi khá chắc chắn rằng, họ sẽ tìm cách rút ngắn khoảng cách về lập trường sau sau bầu cử và đặc biệt đảng Syriza sẽ tìm tới cách tiếp cận thực dụng hơn khi họ phải đối mặt với những trách nhiệm thực sự trong việc thành lập chính phủ.”
Chắc chắn, cả Hy Lạp sau bầu cử và EU sẽ có những bước đi rất thận trọng, bởi họ biết trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, không thể dự báo trước bất kỳ điều gì. Những bước đi nóng vội có thể dẫn tới những hậu quả khó lường. Bởi dù việc Hy Lạp ra đi không còn nhiều rủi ro như trước đây, song lại có thể đẩy EU tới một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng và hệ lụy là một sự bất ổn lớn trên thị trường tài chính, thậm chí còn lớn hơn những ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers năm 2008.
Bởi cả Liên minh châu Âu và Khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện nay không còn được như trước đây sau khi trải qua quá nhiều các cuộc khủng hoảng./.