Nếu đảng cánh tả Syriza chủ trương chống chính sách kinh tế khắc khổ thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới thì các đối tác châu Âu có nhiều khả năng phải thỏa hiệp với chính phủ mới của Hy Lạp nhằm loại bỏ khả năng nước này phải rời khỏi khu vực đồng euro, một tiền lệ xấu cho toàn khu vực.
Từ năm 2010 cho đến nay, Hy Lạp tránh vỡ nợ nhờ vào 2 gói cứu trợ quốc tế trị giá 240 tỷ USD. Nhưng nước này phải trả giá bằng việc thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt theo yêu cầu của Bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Kế hoạch kinh tế khắc khổ đã khiến người dân Hy Lạp quá mệt mỏi và vì vậy cử tri rất có thể sẽ dồn phiếu cho đảng đối lập Syriza trong cuộc bầu cử ngày 25/1 tới.
Đảng Syriza thắng cử sẽ gây bất ổn trên thị trường tài chính và đe dọa Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone vì Thủ lĩnh Alexis Tsipras cam kết từ bỏ chương trình thắt lưng buộc bụng, chấm dứt việc cắt giảm mạnh ngân sách trong nhiều năm, tức là phá vỡ các cam kết với các chủ nợ.
Những đồn đoán về nguy cơ Hy Lạp rời khỏi Eurozone càng gia tăng khi cuối tuần qua Tạp chí Tấm gương của Đức đưa tin, Chính phủ Đức, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã thay đổi lập trường, sẵn sàng chấp nhận sự “ra đi” của Hy Lạp nếu Hy Lạp không đáp ứng các cam kết trong các gói cứu trợ.
Tuy nhiên, ngày 7/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel ra tuyên bố giảm nhẹ khả năng về sự ra đi của Hy Lạp, nhưng nêu rõ Hy Lạp cần tiếp tục chương trình kinh tế khắc khổ. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Đức lên tiếng sau những thông tin đăng trên tạo chí Tấm gương.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại Luânđôn với Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Merkel nói: “Tôi nghĩ cần phải nói rõ với người dân cũng như giới tài chính rằng, tôi và Chính phủ Đức luôn theo đuổi chính sách để Hy Lạp ở lại khu vực đồng ơrô và đó cũng là cam kết giữa Hy Lạp và bộ ba chủ nợ. Hy Lạp và các nước thành viên Liên minh châu Âu cần tuân thủ. Người dân Hy Lạp thực sự đã hi sinh nhiều, nhiều người dân Hy Lạp đã trải qua những năm tháng rất khó khăn. Chúng tôi chia sẻ và hỗ trợ Hy Lạp trên con đường này. Tôi luôn tâm niệm những cố gắng này sẽ mang lại kết quả. Một mặt người dân Hy Lạp cần nỗ lực, mặt khác chúng tôi luôn sát cánh và đoàn kết với Hy Lạp”.
Các quan chức Đức nhận định, khả năng Hy Lạp ra đi là cực kỳ thấp nhưng đặt ra tình huống các chủ nợ có thể phải thương lượng với đảng Syriza về gói cứu trợ nếu đảng này thắng cử.
Việc miễn nợ hoàn toàn cho Hy Lạp là chuyện không tưởng nhưng nới lỏng điều kiện cho vay với chính phủ mới của Hy Lạp là điều đang được tính đến. Cử tri Hy Lạp hiện nay không quan tâm nhiều đến việc đi hay ở lại khu vực đồng euro vì cho rằng, tình hình kinh tế hiện nay đã rất xấu. Hôm qua, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng trên 10% lần đầu tiên trong 15 tháng qua, do giới đầu tư muốn bán tháo trước cuộc bầu cử của Hy Lạp.
Nhiều chuyên gia cho rằng khủng hoảng Hy Lạp lần này khó có thể lan sang toàn bộ khu vực đồng euro vì dù có thắng cử, đảng Syriza cũng sẽ buộc phải thay đổi lập trường cứng rắn đối với các chủ nợ.
Dấu hiệu là Thủ lĩnh Syriza đã mềm mỏng hơn khi không còn đe dọa đơn phương ngừng trả nợ nếu đảng Syriza lên nắm quyền. Hơn nữa, kể từ khủng hoảng nợ công của Hy Lạp lần trước, Eurozone đã thiết lập nhiều “tuyến phòng thủ” như Cơ chế ổn định châu Âu.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là mặt chính trị. Thắng lợi của đảng Syriza ở Hy Lạp sẽ mở ra làn sóng chống chính sách kinh tế khắc khổ tại những nước khác ở châu Âu, như Tây Ban Nha, Ireland. Đó là lí do châu Âu thấp thỏm chờ bầu cử Hy Lạp và có thể phải thỏa hiệp để “giữ chân” Hy Lạp./.