Châu Âu lo ngại
Tuyên bố mới đây của Hy Lạp về việc sẽ tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn đang khiến các quan chức Liên minh châu Âu lo ngại. Theo dự kiến, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 26/1/2015 tới và theo các kết quả thăm dò dư luận Hy Lạp gần đây nhất, khả năng đảng Syriza thắng cử và lên nắm chính quyền là rất cao.
Đây là điều mà Brussels không hề mong muốn. Syriza là một đảng thiên tả đang thăng tiến rất mạnh trong thời gian gần đây và hiện đang nắm quyền tại Attique, vùng rộng lớn nhất và đông dân số nhất của Hy Lạp. Đường lối chính trị mà Syriza theo đuổi là từ bỏ các chính sách khắc khổ mà Hy Lạp đang thực hiện.
Một trong những thủ lĩnh chính của đảng này, Alexis Tsipras, người rất có thể sẽ là Thủ tướng Hy Lạp nếu Syriza chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 26/1 tới, từng nhiều lần tuyên bố nếu lên nắm quyền, ông sẽ lập tức đàm phán lại các điều kiện mà Liên minh châu Âu và các nhà tài trợ quốc tế đang áp đặt lên Hy Lạp. “Việc này sẽ chỉ cần 2 tháng là hoàn tất” – ông Tsipras tuyên bố.
Thảm họa đối với EU
Nếu điều này được thực hiện, đó có thể sẽ là một “thảm họa” cho Liên minh châu Âu, như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.
Từ năm 2010, để thoát ra khỏi cuộc nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử, Hy Lạp đã phải cầu cứu sự trợ giúp của EU và các định chế tài chính quốc tế.
Từ 4 năm nay, quốc gia này nằm dưới sự bảo trợ tài chính của EU và để đổi lại 240 tỷ euro cứu trợ, Hy Lạp buộc phải thực hiện rất nhiều những cải cách khắc nghiệt về thể chế và các chính sách xã hội. 110 tỷ euro đã được chi trong giai đoạn 2010-2012 và 130 tỷ euro đang được giải ngân từng bước trong giai đoạn 2012-2014.
Nếu Syriza lên nắm quyền và đòi đàm phán lại các điều khoản liên quan đến gói cứu trợ thứ hai này, lòng tin mới hồi phục phần nào vào nền kinh tế Hy Lạp sẽ tan biến.
Kịch bản xấu nhất cũng được tính đến, đó là Syriza sẽ đòi mở lại toàn bộ hồ sơ về nợ công của Hy Lạp, vốn chiếm 175% GDP nước này, điều mà Brussels vẫn xem như cấm kị và có thể không loại trừ việc đòi ra khỏi khu vực đồng euro.
Tác động dây chuyền khó lường
Một kịch bản như thế sẽ có tác động dây chuyền khó lường. Hy Lạp là nơi khởi đầu của cuộc nợ công châu Âu và vẫn được xem như là mắt xích yếu trong eurozone, khiến EU và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cùng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phải tốn rất nhiều nỗ lực để cứu khỏi đổ vỡ.
Nếu sự thay đổi trên chính trường Hy Lạp khiến quá trình cải cách ở nước này bị đứt gãy, chắc chắn eurozone sẽ phải chịu hậu quả, nhất là trong bối cảnh sau 4 năm chịu đựng những cải cách khắc nghiệt giúp nền kinh tế nước này đang có những dấu hiệu hồi phục.
Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp được dự báo sẽ về mức 3% như yêu cầu ngay trong năm 2015 và tăng trưởng sẽ trở lại ở mức 2,9% năm 2015.
Đáng ngại trường hợp Tây Ban Nha
Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất, như nhận định, đó sẽ là tác động dây chuyền sang các thành viên khác của EU, đặc biệt là Tây Ban Nha.
Chính trường Tây Ban Nha hiện cũng đang chứng kiến sự thăng tiến rất mạnh của phong trào “Podemos” – Chúng ta có thể”.
Đây là một phong trào thiên tả với rất nhiều mục tiêu đấu tranh gần giống với đảng Syriza ở Hy Lạp, đó là chống các chính sách khắc khổ, chống các tập đoàn lớn…
Phong trào này được dự đoán có thể sẽ phá vỡ thế lưỡng cực trong nền chính trị Tây Ban Nha hơn 3 thập kỷ qua của hai đảng – Đảng Nhân dân (PP) và Đảng xã hội (PSOE). Podemos, cũng như Syriza, cũng chủ trương nếu nắm quyền sẽ thay đổi toàn bộ các chính sách cải cách mà Tây Ban Nha đang tiến hành dưới sức ép từ Brussels.
Một kịch bản như thế sẽ là điều tồi tệ trong năm 2015 với Liên minh châu Âu./.