Hiện vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể có thể thắp lên hy vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 3 năm qua tại Syria khi các cuộc đàm phán hòa bình vòng hai giữa chính phủ Syria và phe đối lập tại Geneva vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí hai bên còn chưa thể đi tới thống nhất được chương trình nghị sự.
Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi (Ảnh: AP) |
Ngay khi bắt đầu vòng đàm phán thứ hai hôm 10/02 vừa qua, hai bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau đã đẩy tình trạng bạo lực tại Syria leo thang. Ngay cả nội dung nào cần được ưu tiên đàm phán trước cũng trở thành chủ đề tranh cãi giữa hai bên.
Trong khi phe đối lập một mực khẳng định cách duy nhất để giúp chấm dứt nội chiến ở Syria là thành lập chính phủ chuyển tiếp mà Tổng thống Assad sẽ không nắm giữ bất kỳ vai trò gì, thì chính phủ Syria lại cho rằng, tương lai của ông Assad không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Chính phủ Syria yêu cầu trước tiên cần tập trung thảo luận cách thức chấm dứt bạo lực và các hoạt động khủng bố, ám chỉ các vụ tấn công nổi dậy có sự hậu thuẫn của nước ngoài.
Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi đã tìm cách tháo gỡ thế bế tắc giữa hai bên khi đề xuất sẽ thảo luận về việc kết thúc bạo lực ở Syria vào ngày hôm qua (11/2) và kế hoạch thiết lập một cơ quan quản lý chuyển tiếp vào ngày hôm nay (12/2).
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, không bên nào chịu “lùi bước” khi cả 2 đều khăng khăng bảo vệ lập trường của mình. Phái đoàn đàm phán của chính phủ Syria ngày hôm 11/2 tuyên bố không nhất trí về chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva (Thụy Sĩ), đồng thời cho biết phe đối lập đã từ chối thảo luận về vấn đề "chủ nghĩa khủng bố".
Sau hai ngày đàm phán căng thẳng, cả đại diện chính phủ Syria và phe đối lập buộc phải thừa nhận đàm phán hòa bình đã không đạt được nhiều tiến triển. Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi cho biết: “Bắt đầu tuần này lại lãng phí thời gian như lần đầu tiên vậy. Chúng tôi đã không đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Có người từng nói rằng tôi cần phải rất kiên nhẫn. Và tôi đã kiên nhẫn. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để tiến trình này thu được kết quả”.
Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad cũng cho rằng “thêm một ngày uổng phí” vì các đại diện của Liên minh Dân tộc đối lập một mực cho rằng không tồn tại chủ nghĩa khủng bố ở Syria và không muốn thảo luận về vấn đề này.
Ngay cả phát ngôn viên của phe đối lập Louay Safi cũng nhấn mạnh rằng, vẫn chưa có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán. Trước đó ông Safi từng cảnh báo sẽ không có vòng đàm phán thứ ba nếu vòng đàm phán thứ hai không mang lại kết quả.
Dễ dàng nhận thấy, khó có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trong đàm phán hòa bình, khi mà quan điểm giữa hai bên còn quá nhiều cách biệt, từ việc diễn dịch khái niệm “chính phủ chuyển tiếp”, cho đến cách thức chấm dứt bạo lực và các hoạt động khủng bố, vấn đề viện trợ nhân đạo….
Các nhà quan sát nhận định việc đưa các bên xung đột ở Syria ngồi vào bàn đàm phán là bước đi đúng hướng, song chưa có dấu hiệu nào cho thấy vòng đàm phán thứ hai này có thể đạt tiến bộ tiến tới chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở quốc gia đầy bất ổn này, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng đang mưu tính tìm kiếm lợi ích địa chính trị cho riêng mình từ chính cuộc khủng hoảng tại Syria./.