Theo Reuters, trong ngày cuối cùng thực hiện lệnh ngừng bắn 3 ngày, có khoảng 600 người đã được đưa ra khỏi Homs - thành phố vốn bị phong tỏa lâu nhất kể từ khi cuộc nội chiến ở đất nước này diễn ra.

dan-syria1.jpg
Một người dân Syria may mắn thoát khỏi thành phố Homs (Ảnh: Reuters)

Thông tin của Liên Hợp Quốc và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria cho hay, những người được di tản khỏi Homs chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Trong lúc việc di tản diễn ra, hoạt động của đoàn cứu trợ đã bị gián đoạn khi đoàn xe bị mắc kẹt một thời gian ngắn trong thành phố.

Thị trưởng thành phố Homs, ông Talal Barazi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Arab, Al Mayadeen nói: “Những chiếc xe cuối cùng đã đến và có tổng số 611 người được sơ tán”.

Theo Reuters, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria xác nhận rằng, có khoảng 600 người đã được sơ tán, 60 gói bưu kiện thực phẩm và hơn 1 tấn bột mì đã được chuyển giao cho người dân ở Homs.

Ông Barazi, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ và các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết, họ vẫn đang tích cực vận động để có thể tiếp tục tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo sau ngày 9/2 – ngày cuối cùng trong thỏa thuận ngừng bắn mong manh kéo dài 3 ngày.

Trước đó, đoàn xe nhân đạo quốc tế khi tiến vào thành phố Homs của Syria đã bị trúng đạn pháo. Vụ việc khiến 1 nhân viên của đoàn cứu trợ bị thương. Chính quyền Tống thống Assad và lực lượng nổi dậy đã lên tiếng đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công này.

Trong khi đó, bà Valerie Amos, Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc bày tỏ thất vọng trước việc các nhân viên cứu trợ trở thành mục tiêu bị nhắm tới một cách cố ý. Bà cho rằng, đó là một sự nhắc nhở rõ rệt về các mối nguy hiểm mà thường dân và nhân viên cứu trợ phải đối mặt hàng ngày ở Syria.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, có khoảng 2.500 người bị mắc kẹt ở Homs sau khi giao tranh ác liệt nổ ra ở đây kể từ giữa năm 2012. Những người này phải sống trong điều kiện thiếu thốn lương thực, thuốc men, nhiều người có dấu hiệu bị suy dinh dưỡng./.