Hôm qua (20/7), các quan chức Israel và Palestine đều lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng, đàm phán hòa bình Trung Đông sẽ sớm được nối lại. Tuy nhiên, 2 bên vẫn tỏ ra khá thận trọng trước triển vọng thực sự cho hòa bình khu vực bởi còn quá nhiều trở ngại chưa được gạt bỏ trong khi chưa có một kế hoạch chi tiết để cuộc đàm phán đem lại kết quả cụ thể.

Người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rdaineh cho biết, chính quyền của ông Mahmoud Abbas chưa có kế hoạch chi tiết cho các cuộc đàm phán hòa bình với Israel. Ông Rdaineh khẳng định, Palestine chưa nhận được lời mời chính thức nào về việc tham dự vòng đàm phán hòa bình mới mà Ngoại trưởng Mỹ dự kiến tổ chức vào tuần tới. Bên cạnh đó, quan chức Palestine tiếp tục nhắc lại những yêu cầu đối với Israel trước khi bước vào vòng đàm phán chính thức. Đó là Israel phải chấm dứt chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza; Israel cũng phải công nhận đường biên giới giữa 2 nước thành lập trước cuộc chiến tranh năm 1967 và trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị. Ông Rdaineh nhấn mạnh: “Nhà nước Palestine đã được định hình từ lâu bởi đường biên giới trước năm 1967. Vì thế bất cứ cuộc thương thảo nào cũng phải dựa trên cở sở này. Như Tổng thống Abbas đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, chúng ta cũng phải có giải pháp công bằng cho người tị nạn và tù nhân. Họ là anh hùng, là ranh giới đỏ của người dân Palestine”.

Đáp lại, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Israel, bà Tzipi Livni cho biết, mọi vấn đề đều có thể được thảo luận tại cuộc đàm phán sắp tới, bao gồm cả việc Palestine yêu cầu đặt thủ đô ở Đông Jerusalem. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Chiến lược Israel Yuval Steinitz cho biết, nhiều khả năng Israel cũng sẽ chấp nhận một số điều kiện về thả tù nhân chính trị Palestine. “Trong quá trình đàm phán kéo dài có thể một số tù nhân được thả. Tôi nghĩ trước tiên, điều này không dễ dàng. Chúng tôi đã trải qua điều này khi yêu cầu thả binh sỹ thuộc lực lượng quốc phòng Israel Gilat Shalit. Ngoài ra chúng tôi vẫn có những yêu cầu quan trọng khác là đàm phán phải diễn ra mà không có điều kiện tiên quyết, không đình chỉ việc xây dựng các khu định cư Do Thái và không lập lại đường biên giới trước năm 1967”.

Quyết định quay trở lại bàn đàm phán của Israel và Palestine cho thấy, cả 2 bên đã rất coi trọng ông Kerry, người kiên trì với chiến dịch ngoại giao con thoi chóng mặt suốt 5 tháng qua với 6 chuyến thăm Trung Đông. Nhưng về cơ bản, Israel và Palestine đồng ý trở lại bàn đàm phán khi vẫn chưa thể nhượng bộ nhau trong những vấn đề chủ chốt nhất. Mặc dù vậy, dư luận khu vực và thế giới vẫn có thể hy vọng rằng những khác biệt này có thể được thu hẹp tại cuộc gặp giữa Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Israel, bà Livni và người đồng cấp Palestine Saeb Erekat tại Washington tuần tới theo đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ./.