Đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel nhiều khả năng sẽ được nối lại trong tuần tới trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Đây là chuyến công du Trung Đông thứ 6 của ông Kerry kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2 vừa qua, cho thấy chính quyền Mỹ coi hòa bình cho khu vực Trung Đông là vấn đề cốt lõi để có thể từng bước giúp tháo gỡ những cuộc xung đột khác đang diễn ra tại khu vực nóng bỏng này.

kerry1.jpg
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: AP)

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Amman, Jordan ngày 19/7 sau loạt loạt các cuộc gặp và thảo luận với lãnh đạo Palestine và trưởng đoàn đàm phán của Palestine và Israel, Ngoại trưởng Mỹ Kerry thông báo, hai bên đã đạt được thỏa thuận đặt nền móng cho việc tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp sau gần 3 năm bị đình trệ.

 “Tôi vui mừng thông báo rằng, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận đặt cơ sở cho việc khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Irael. Đây là bước tiến lớn và đáng hoan nghênh. Thỏa thuận này vẫn đang trong tiến trình chính thức hóa”. Ông Kerry nhấn mạnh.

 Ông Kerry không cho biết nội dung chi tiết thỏa thuận trên, song bày tỏ hy vọng nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, các nhà đàm phán Palestine và Israel sẽ có thể gặp nhau tại Washington vào tuần tới. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, Tổng thống Palestine Abass và Thủ tướng Isarael Netanyahu đều đã đưa ra những lựa chọn khó khăn và nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa hai bên. 

Trong khi đó, nguồn tin Palestine cho biết, tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Kerry và Tổng thống Palestine Abass, hai bên đã nhất trí tổ chức cuộc gặp giữa các nhà đàm phán Palestine và Israel trong vài ngày tới. Theo nguồn tin này, ông Kerry bảo đảm với Tổng thống Abass rằng, Israel sẽ tuyên bố chấp nhận các nguyên tắc hai nhà nước trên cơ sở đường biên giới 1967, bất chấp sự phản đối hiện nay của Israel.

Trái với lạc quan của Ngoại trưởng Mỹ, dư luận Palestine lại tỏ ra hoài nghi về triển vọng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với Israel. Trong trường hợp các cuộc đàm phán trực tiếp được nối lại, chính quyền của Tổng thống Palestine Abass sẽ phải đối mặt với sự phản đối trong nội bộ Palestine.

Phản ứng về tuyên bố trên của ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn phong trào Hamas, Sami Abu Zuhri cho biết: “Hamas không chấp nhận thông báo của ông Kerry về việc nối lại đàm phán giữa chính quyền Palestine và Israel. Việc chính quyền Palestine trở lại bàn đàm phán không được sự nhất trí của toàn thể người Palestine về vấn đề này”.

Trước đó, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) gồm các phái cánh tả vốn không mấy ủng hộ giải pháp thỏa hiệp với Irael, cho biết tổ chức này sẽ đưa ra phản ứng chính thức đối với đề xuất hòa bình của ông Kerry. Ông Mustafa Barghuti, một thành viên Quốc hội Paletine, cho biết sau cuộc họp tại Ramala, hầu hết các phe phái trong Tổ chức Giải phóng Palestine đã phản đối kế hoạch hòa bình của ông Kerry.

Trong chuyến công du Trung Đông lần thứ 6 này, ông Kerry không gặp Thủ tướng Israel Netanyahu, nhưng hai bên đã có các cuộc điện đàm.

Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine đã bị đình trệ từ năm 2010 do những bất đồng giữa hai bên về các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây và Đông Jelusalem, những vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng của người Palestine. Đây là những rào cản lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông khi chính quyền Palestine tuyên bố chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu Israel chấm dứt việc mở rộng khu định cư trên các vùng đất chiếm đóng. Trong khi đó, cho đến nay, chính quyền Israel vẫn tiếp tục hoạt động định cư bất chấp sự phản đối của phía Palestine cũng như của Mỹ. Mới đây Israel đã cấp phép xây dựng hơn 700 căn  hộ định cư trên các vùng đất chiếm đóng của người Palestine./.