Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã thất bại lần thứ 2 trong năm nay. Dù tối 24/11 là thời hạn chót, song các bên vẫn chưa thể đi tới một thỏa thuận toàn diện. Điều duy nhất mang lại kỳ vọng là việc Iran và phương Tây nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 7 tháng, tức là tới hết ngày 30/6 năm sau.

diet_hat_nhan_iran_epgr_fnhn.jpgMột nhà máy điện hạt nhân của Iran
Phát biểu với báo chí sau khi kết thúc các cuộc đàm phán tại thành phố Vienna, Áo, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, các bên buộc phải chấp nhận thực tế rằng, một thỏa thuận toàn diện đã không thể đạt được vào thời hạn chót.

Song cả Iran và các nước phương Tây đều nhất trí gia hạn Kế hoạch hành động chung, tức thỏa thuận tạm thời đạt được cách đây một năm tại Geneva (Thụy Sĩ)  tới ngày 30/6 năm sau.

Kế hoạch hành động chung yêu cầu Iran tạm ngừng mọi hoạt động làm giàu uranium cấp độ cao để đổi lại nhận được sự nới lỏng các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đặc biệt, trong khuôn khổ thỏa thuận, Iran được phép tiếp cận một phần thu nhập từ dầu mỏ bị đóng băng ở nước ngoài.  

Đây là lần thứ 2, Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) phải gia hạn đàm phán. Tháng 7 vừa qua là thời hạn đầu tiên đặt ra để đạt được một thỏa thuận toàn diện, song  mục tiêu này đã bị bỏ lỡ và các bên buộc phải kéo dài đàm phán tới ngày 24/11 (tức ngày hôm qua).

Tuy nhiên, sau vòng đàm phán ngày 24/11, cả Iran và phương Tây đều tỏ ra lạc quan khi khẳng định, các cuộc thảo luận đã đạt một số bước tiến. Theo Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, dù không đạt được thỏa thuận, song những bước tiến thực chất đã đạt được. Ông cũng bày tỏ hi vọng, Iran và P5+1 có thể đạt thỏa hiệp trong vòng 3-4 tháng tới.

“Dù chưa đạt được thỏa thuận song đã có những bước tiến thực chất. Chúng tôi cho rằng, các cuộc đàm phán vừa qua là không vô ích và đã đánh dấu một bước quan trọng trong công việc khó khăn này mà chúng ta đều biết chắc rằng sẽ mang lại kết quả”, Ngoại trưởng Nga cho hay.

Về phần mình,Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, các bên vẫn đang tiến về phía trước nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện. Theo ông, sự khác biệt về lập trường giữa Iran và P5+1 đã được thu hẹp đáng kể và nhiều điểm bất đồng đã không còn. 

Ông Hassan Rouhani nói: "Dù chưa đi tới một thỏa thuận cuối cùng, nhưng tôi có thể nói rằng, chúng tôi vẫn đang tiến về phía trước. Chúng tôi có mặt ở đây hôm nay rất khác so với 3 tháng trước và thậm chí còn khác rất nhiều so với 6 tháng trước đây. Lập trường của Iran và P5+1 đã đến gần với nhau hơn và nhiều điểm bất đồng đã biến mất. Nhưng tất nhiên vẫn còn những việc phải làm, những bất đồng cần phải thu hẹp.

Dự kiến, các cuộc thảo luận sẽ được nối lại vào tháng 12 tới và trong thời gian kéo dài đàm phán, Iran vẫn tiếp tục nhận được sự nới lỏng các lệnh trừng phạt và sẽ được tiếp cận một phần tài khoản bị đóng băng ở nước ngoài, tức khoảng 700 triệu USD mỗi tháng.

Mục đích của nhóm P5+1 là giảm khả năng làm giàu urainum của Iran và đổi lại những nước này sẽ dần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt từ năm 2007. Trong một báo cáo đánh gía hàng tháng, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Iran đã cắt giảm lượng uranium dạng khí được làm giàu ở cấp độ thấp và có thêm động thái khác để thực thi các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân tạm thời đạt được hồi năm ngoái với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức).

Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là những điểm bất đồng chính lại vẫn là quy mô chương trình làm giàu urainum của Iran và tiến trình dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Một quan chức ngoại giao phương Tây đã tỏ ra bi quan khi cho rằng, những tranh cãi giữa Iran và phương Tây đã kéo dài hơn 10 năm qua, tức là 10 năm để các bên đưa ra những ý tưởng và đề xuất. Mọi nguyên liệu đã sẵn sàng và điều duy nhất còn thiếu là ý chí chính trị. Vì thế, đã có nhiều ý kiến hoài nghi khi cho rằng, ngay cả khi kéo dài đàm phán các bên cũng khó lòng đạt được một thỏa thuận./.