Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng sau khi bỏ lỡ “thời hạn chót” vào tháng 7 vừa qua.
Ngày 16/9, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã rời thủ đô Tehran lên đường đi New York, Mỹ để chuẩn bị tham gia vòng đàm phán mới với 6 cường quốc. Đàm phán được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) mới đây công bố báo cáo làm gia tăng mối nghi ngờ của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran.
Phát biểu tại buổi tiếp Đại sứ mới của Italia đến trình quốc thư ngày 15/9, Ngoại trưởng Iran Zarif kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò tích cực hơn trong nỗ lực đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran.
Kênh truyền hình Press TV của Iran cho biết, theo kế hoạch vào ngày 17/9, Ngoại trưởng Zarif sẽ có cuộc gặp với quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton.
Sau đó, Ngoại trưởng Iran cũng sẽ có các cuộc gặp song phương với đại diện nhóm P5+1. Các cuộc thương lượng mới giữa Iran với nhóm P5+1 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/9 tới tại New York, bên lề khóa họp 69 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trong một nỗ lực làm giảm bớt những mối lo ngại của P5+1 trước khi khai mạc vòng thương lượng quan trọng này, Iran đã tiến hành một loạt cuộc gặp song phương và đa phương với các thành viên nhóm P5+1.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán mới sắp diễn ra, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thúc giục Iran phải tiếp tục thực hiện đúng thời hạn các biện pháp thực tế nhằm đảm bảo sự minh bạch về chương trình hạt nhân của Tehran, theo đúng thỏa thuận giữa nước này với IAEA hồi tháng 5 vừa qua.
Phát biểu tại Vienna, Áo ngày 15/9, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho rằng, đến nay Iran đã thực hiện 3 trong số 5 bước minh bạch hóa chương trình hạt nhân.
Ông Amano nói: “Iran đã thực hiện 3 trong 5 biện pháp thực tế mà nước này đã nhất trí với IAEA trong thỏa thuận khung về hợp tác song phương. Iran đã bắt đầu các cuộc thảo luận với IAEA về hai vấn đề còn tồn đọng. Chúng tôi đã yêu cầu Iran đề xuất các biện pháp mới vào ngày 2/9, nhưng Iran chưa có phản hồi”.
Phát biểu của ông Amano được đưa ra dựa trên báo cáo mới đây của IAEA về chương trình hạt nhân Iran. Theo ông Amano, quá trình làm rõ các vấn đề nghi vấn không thể kéo dài vô hạn và thời hạn thực tế tùy vào sự sẵn sàng hợp tác của Iran với IAEA.
Đại diện IAEA cũng nhắc lại rằng để làm rõ liệu chương trình hạt nhân của Iran có yếu tố quân sự hay không, các thanh sát viên tổ chức này nhất định phải được tiếp cận căn cứ Parchin ở Iran.
Trước đó, hôm 23/8, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehgan tuyên bố nước này sẽ không cho phép các thanh sát viên IAEA tiếp cận căn cứ Parchin. Theo ông Dehgan, trước năm 2005, IAEA đã tiến hành một số chuyến thăm đến căn cứ Parchin, lấy các mẫu thử và không tìm thấy bất cứ điều gì bất hợp pháp. Kể từ lần thanh sát cuối cùng đến nay không có gì mới, do vậy, không có lý do gì để các thanh sát viên IAEA lại đến Parchin.
Giới ngoại giao phương Tây cảnh báo, Iran cần giải tỏa những lo ngại của IAEA và việc phương Tây có xem xét nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Iran hay không phụ thuộc vào sự hợp tác của nước này với IAEA.
Theo thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 hồi tháng 11/2013, các bên sẽ ký thỏa thuận cuối cùng trước ngày 20/7 vừa qua.
Song đến thời điểm đó, do còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết, các bên buộc phải quyết định kéo dài thời hạn ký văn kiện hết sức quan trọng này thêm 4 tháng nữa, tới ngày 24/11 tới.
Hiện tại, các bên đang nỗ lực hết sức để hướng tới thỏa thuận cuối cùng. Theo đó, Iran phải bảo đảm bản chất dân sự trong chương trình hạt nhân để đổi lấy việc hủy bỏ hoàn toàn mọi biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, hiện hai bên vẫn bất đồng về qui mô của chương trình làm giàu urani của Iran và lịch trình hủy bỏ các lệnh trừng phạt.
Bất đồng giữa phương Tây và Iran đã kéo dài hàng chục năm qua chủ yếu do sự nghi kỵ và không tin tưởng lẫn nhau. Phương Tây luôn nghi ngờ Iran phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự, điều mà phía Iran bác bỏ. Trong các cuộc đàm phán hiện nay, Iran kiên trì bảo lưu quyền được phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình./.