Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) hôm 17/6 bắt đầu cuộc đàm phán chính thức lần thứ 5 tại Vienna (Áo) để thảo luận về các vấn đề còn tồn tại liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Mặc dù các bên đều thể hiện quyết tâm cao trong việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng, song những thách thức và trở ngại còn rất lớn do những bất đồng của các bên, nhất là về quy mô chương trình hạt nhân của Iran.

iran1-1_ltnz.jpg 

 Một vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran (Ảnh: PressTV)

Chỉ còn 5 tuần nữa là đến thời hạn chót (20/7) mà các bên đặt ra nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng, do đó vòng đàm phán lần này được đánh giá là có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, ngay trong ngày đàm phán chính thức đầu tiên, các bên cáo buộc nhau “thiếu thực tế” trong các đòi hỏi của mình.

Phát biểu với báo giới, ông Michael Mann, người phát ngôn của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại bày tỏ hy vọng, mặc dù còn nhiều khác biệt, song hai bên cần nỗ lực để có thể đạt một thỏa thuận.

Ông Mann nói: “Chúng tôi cam kết tăng cường các nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận trong thời gian sớm nhất. Rõ ràng chất lượng của thỏa thuận là điều quan trọng nhất, song chúng ta đang nỗ lực để hoàn thành mọi việc. Chúng tôi hy vọng phía Iran bước vào đàm phán với tinh thần tương tự. Việc hai bên có quan điểm khác nhau là điều bình thường và đó là lý do chúng ta phải đàm phán”.

Một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tiết lộ với báo giới rằng mặc dù vẫn còn những cách biệt đáng kể, sau hai ngày đàm phán riêng rẽ trong tuần qua giữa phái đoàn Mỹ và phái đoàn Iran, hai bên hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran trước thời hạn chót 20/7.

Trong một nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Vienna, Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua tuyên bố Anh sẽ tiến thêm một bước nữa tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran. Phát biểu trước các nghị sỹ Anh, ông Hague cho biết đã sẵn sàng công bố giai đoạn tiếp theo trong quá trình lâu dài bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vốn bị gián đoạn sau vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Anh tại Tehran hồi năm 2011.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề quốc tế và pháp lý, ông Abbas Arachi phát biểu tại cuộc họp báo hôm 17/6 ở Vienna, thúc giục các cường quốc “thực tế” hơn trong các cuộc đàm phán.

Ông Arachi nói: “Một số bên trong nhóm P5+1 vẫn rất ảo tưởng, vẫn giữ lập trường như trước đây. Một giải pháp chỉ có thể đạt được nếu tất cả các bên cố gắng thực tế”.

Nhà đàm phán Iran mô tả vòng đàm phán mới với nhóm P5+1 là rất “nghiêm túc và hữu ích”, tất cả các bên đều quyết tâm thu hẹp bất đồng còn tồn tại. Iran hy vọng các cuộc đàm phán sẽ mang lại kết quả mà các bên có thể chấp nhận.

Hiện hai bên vẫn còn nhiều điểm tranh cãi liên quan tới các điều khoản cụ thể trong thỏa thuận toàn diện, trong đó có thời hạn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran, thời hạn kéo dài của thỏa thuận cũng như kế hoạch của Iran xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới Arak mà Mỹ và phương Tây nghi ngờ có khả năng bắt đầu quá trình chế tạo bom hạt nhân.

Bất đồng giữa Iran và các cường quốc phương Tây liên quan chương trình hạt nhân của Tehran đã kéo dài hàng chục năm qua, chủ yếu là do sự nghi kỵ và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Trong các cuộc đàm phán với phương Tây, Iran luôn khẳng định lập trường rằng quyền phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình của họ cần được tôn trọng và Tehran không theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân như cáo buộc của phương Tây./.