Iran tuyên bố đã sẵn sàng cho việc đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi tại vòng đàm phán mới với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), kéo dài từ hôm nay đến ngày 20/6 tại thủ đô Vienna, Áo. Tại cuộc đàm phán song phương mới nhất giữa Iran và Đức, kết thúc vào hôm qua (15/6), hai bên đã khẳng định sự cần thiết của việc đạt được thỏa thuận cuối cùng trong vòng đàm phán này.

dam%20phan%20iran_izzn.jpgMột buổi đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran (ảnh: PressTV)

 

Phát biểu với các phóng viên trước khi dẫn đầu đoàn đàm phán Iran lên đường đến Vienna, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm qua (15/6) cho biết sẽ nỗ lực soạn thảo thỏa thuận hạt nhân cuối cùng trong vòng đàm phán mới. Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay, Ngoại trưởng Zarif sẽ có cuộc gặp với Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton, người dẫn đầu nhóm đàm phán P5+1.

Tại cuộc gặp cùng ngày với Bộ trưởng Quan hệ hợp tác quốc tế Nam Phi ở thủ đô Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rowhani cũng cho biết, nước này đã “sẵn sàng đạt thỏa thuận cuối cùng với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân dựa trên các quy tắc quốc tế”.

Ông Rowhani nhấn mạnh, việc phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt không công bằng đối với Iran là không thể chấp nhận được. Trước đó, Iran đã tiến hành đàm phán song phương với hầu hết các nước trong nhóm P5+1 như Mỹ, Nga, Pháp, Đức, ngoại trừ Anh và Trung Quốc nhằm thu hẹp bất đồng giữa các bên và để có thêm nhiều thời gian trước khi tiến tới vòng đàm phán cấp cao. Tại cuộc đàm phán giữa Iran và Đức kết thúc hôm qua tại Tehran, hai bên đã khẳng định sự cần thiết của việc đạt được thỏa thuận cuối cùng trong vòng đàm phán tới.

Đánh giá về triển vọng của vòng đàm phán mới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, quá trình chuẩn bị cho thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran đang đạt tiến bộ.

Ông Ryabkov khẳng định phía Iran đã làm được phần việc quan trọng trong các cuộc đối thoại riêng rẽ với Mỹ và Pháp trong những ngày trước đó và có thể sẽ đạt tiến bộ về một số khía cạnh trong vòng đàm phán tiếp theo.

Mặc dù vậy, hiện các bên vẫn còn bất đồng về vấn đề cấu trúc của lò phản ứng nước nặng Arak, chương trình làm giàu urani của Iran cũng như việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Iran.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Press TV của Iran trước vòng đàm phán mới giữa Iran và P5+1, nhà phân tích chính trị Kaveh Afrasiabi tại Đại học Boston Mỹ cho rằng, phương Tây không nên đặt ra những mục tiêu khác ngoài việc tăng cường xây dựng lòng tin liên quan chương trình hạt nhân của Iran.

Afrasiabi nói: “Như các bạn biết, Mỹ khăng khăng yêu cầu thảo luận về kỹ thuật tên lửa của Iran, vốn là một phần của quân đội Iran. Đó không phải là vấn đề hạt nhân. Việc yêu cầu Iran mở cửa các cơ sở tên lửa của họ cho các quan sát viên nước ngoài là điều nực cười. Do đó họ cần thực tế hơn, các yêu cầu cần thể hiện hài hòa trên khía cạnh pháp lý và tham số của hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Bất đồng giữa Iran và các cường quốc phương Tây liên quan chương trình hạt nhân của Tehran đã kéo dài hàng chục năm qua, chủ yếu là do sự nghi kỵ và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Lâu nay, Iran vẫn bác bỏ cáo buộc từ phương Tây và Israel rằng họ đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Iran khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn chỉ vì mục tiêu hòa bình.

Theo thỏa thuận sơ bộ đạt được hồi tháng 11/2013 giữa Iran và nhóm P5+1, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại một số sự nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế. Thỏa thuận kéo dài sáu tháng này được đưa ra để các bên có thêm thời gian đàm phán về một bản thỏa thuận toàn diện vào tháng 7 tới./.