Iran và Mỹ ngày 10/6 đã kết thúc cuộc đối thoại trực tiếp kéo dài 2 ngày tại thủ đô Geneva, Thụy Sĩ về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Trong những ngày tới, Iran sẽ tiếp tục có các cuộc đàm phán riêng rẽ với Pháp, Nga và Đức.

Những nỗ lực này của các bên đưa ra với hi vọng có thể thông báo một dự thảo thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran trong cuộc đàm phán cấp cao vào ngày 16/6 tới tại Vienna, Áo, hướng đến một mục tiêu tham vọng hơn là hoàn thành thỏa thuận hạt nhân vào thời hạn chót 20/7.

Đại diện của Iran và EU trong một vòng đàm phán ở Vienna (Ảnh: AFP)

 

Đối thoại trực tiếp Iran - Mỹ là một phần trong nỗ lực ngoại giao mới, được thực hiện trong bối cảnh Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đang tiến gần thời hạn chót đạt thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran.

Đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Iran và Mỹ kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Phát biểu sau cuộc đối thoại với Mỹ, Trưởng đoàn đàm phán Iran, ông Abbas Araqchi cho biết, cuộc gặp diễn ra "căng thẳng, khó khăn, nhưng tích cực và có kết quả”. Hai bên còn tồn tại một số bất đồng và cần có các cuộc tham vấn tiếp theo.

Ông Araqchi nói: “Chúng tôi đã thảo luận với đoàn đại biểu Mỹ và sẽ có thêm các cuộc thảo luận với các đoàn đại biểu khác trên cơ sở song phương. Mục tiêu đó là giúp hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tham vấn để thu hẹp các bất đồng còn tồn tại, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tại Vienna vào tuần tới”.

Mặc dù các bên đều bày tỏ lạc quan và quyết tâm hướng đến một thỏa thuận hạt nhân toàn diện trước thời hạn chót 20/7 tới, nhưng giới quan sát cho rằng, Iran và nhóm P5+1 phải đối mặt với lựa chọn khó khăn trong thời gian tới.

Tháng trước, các cuộc đàm phán hạt nhân lâm vào bế tắc trong việc tiến tới một khung thỏa thuận cuối cùng, khi Iran và nhóm P5+1 đều cáo buộc nhau đưa ra các yêu cầu không thực tế, đặc biệt liên quan đến các hoạt động làm giàu urani của Iran.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 11/6 cho rằng, Iran cần phải nhượng bộ trong yêu cầu về hoạt động làm giàu urani của mình.

Ông Fabius nói: “Chúng tôi cho rằng, Iran có thể có hàng trăm máy li tâm nhưng Iran nói họ muốn có hàng trăm nghìn máy ly tâm. Chúng tôi không đồng quan điểm về vấn đề này. Rõ ràng, Iran không cần có hàng trăm nghìn máy ly tâm nếu họ không không muốn phát triển bom hạt nhân. Vì vậy, câu hỏi trong những tuần sắp tới đó là liệu Iran có chấp nhận từ bỏ ý định này hay không”.

Tuy nhiên Iran hiện vẫn khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền của nước này sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Với khác biệt còn nhiều, hai bên khó có thể tiến tới một thỏa thuận cuối cùng trong vòng gần 2 tháng nữa. Thứ trưởng ngoại giao Iran Araqchi cũng thừa nhận, vẫn còn bất đồng và để thu hẹp khoảng cách này các bên phải đưa ra quyết định khó khăn.

Các nhà ngoại giao Mỹ thì cho rằng, đây là giai đoạn quan trọng của các cuộc đàm phán và hai bên cần tăng cường nỗ lực ngoại giao.

Trong bối cảnh triển vọng về một thỏa thuận hạt nhân toàn diện là không nhiều, thì một giải pháp được ủng hộ đó là kéo dài các cuộc đối thoại thêm 6 tháng.  Tuy nhiên, giải pháp này cũng không mang lại nhiều điều sáng sủa, khi cả Iran và P5+1 đều phải đối mặt với sức ép chính trị trong nước, đặc biệt là sự “sốt ruột” của Israel – một đồng minh của Mỹ, có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán.

Còn quá sớm để đánh giá mọi thứ - đúng như nhận định của Thứ trưởng ngoại giao Iran. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu đề ra nhằm chấm dứt những bất đồng kéo dài hàng thập kỉ qua về vấn đề hạt nhân Iran, thì điều quan trọng là các bên phải nghiêm túc và chân thành hướng đến mục tiêu này, cũng như biến những cụm từ “ đưa ra các lựa chọn khó khăn” trở thành hành động thực sự./.