Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tích cực xem xét thời điểm và cách thức chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, công việc này sẽ chính thức được thực hiện vào 14/5 tới, đúng vào ngày Israel tổ chức kỷ niệm 70 năm Tuyên bố thành lập Nhà nước Israel (14/5/1948-14/5/2018), đồng thời cũng là ngày Palestine gọi là Nakba (ngày thảm họa) và hàng năm người Palestine làm lễ tưởng niệm.

vov_1_nxaa.jpg
Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama.

Quyết định của ông Donald Trump đã đảo ngược hoàn toàn chính sách kéo dài nhiều thập kỷ qua của Mỹ đối với vấn đề quy chế thành phố Jerusalem và vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia trên thế giới. Phóng viên VOV đã phỏng vấn Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, để tìm hiểu phản ứng của Palestine trước quyết định đơn phương nêu trên của chính quyền Mỹ.

PV: Thưa đại sứ, theo một số nguồn tin phương Tây, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định chuyển đại sứ quán từ Tel Avip tới Jerusalem vào tháng 5/2018. Xin Đại sứ cho biết phản ứng của Palestine trước quyết định này của Mỹ?

Đại sứ Saadi Salama: Trước hết quyết định của Mỹ coi Jerusalem là thủ đô của Israel  là một quyết định không chỉ vi phạm các quyền bất khả xâm phạm của Palestine mà còn vi phạm pháp luật quốc tế. Vì theo pháp luật quốc tế, đây là 1 vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, và sau khi Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem năm 1967 không có 1 quốc gia nào trên thế giới đã công nhận khu vực này thuộc về Israel.

Trước đó, các nước trong đó có cả Mỹ đều coi Jerusalem là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và phải áp dụng pháp luật quốc tế để giải quyết xung đột Palestine – Israel. Việc tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời tuyên bố chuyển đại sứ quán từ Tel Avip tới Jerusalem nằm trong chính sách của Mỹ nhằm đáp ứng những nhu cầu của Nhà nước Do thái Israel. Điều này sẽ không được cộng đồng quốc tế chấp nhận vì nó là một quyết định đơn phương, trái ngược với nghĩa vụ và luật pháp quốc tế.

Sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, Palestine đã không còn công nhận Mỹ đóng vai trò trung gian giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine. Palestine hoàn toàn phản đối, lên án và yêu cầu mọi quốc gia công nhận Palestine là một nhà nước độc lập, dựa trên biên giới được phân định năm 1967. Quyết định này phù hợp với nghị quyết của Liên Hợp Quốc thông qua năm 2012.

Jerusalem không phải là 1 vấn đề đơn giản và chính phía Palestine cũng bác bỏ việc phân định Jerusalem trên bàn đàm phán bởi không có Jerusalem sẽ không có Palestine. Và chắc chắn 1 điều nếu người Palestine không quay trở lại bàn đàm phán thì sẽ không có hòa bình. Tức là nghị quyết do Tổng thống Donald Trump đưa ra sẽ không bao giờ có giá trị về mặt pháp luật. Nó trái ngược với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

PV: Xin Đại sứ cho biết động thái tiếp theo của Palestine trước kế hoạch của Tổng thống Donald Trump?

Đại sứ Saadi Salama: Palestine sẽ nêu vấn đề tại  Hội nghị thượng đỉnh Arab dự kiến được tổ chức tại Riyadh (Saudi Arabia) vào giữa tháng 3/2018, triệu hồi cuộc họp của Hội đồng Dân tộc Palestine, bày tỏ lập trường kiên định phản đối quyết định của Mỹ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bày tỏ mong muốn tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine và hướng đến đàm phán, nhưng với điều kiện cơ chế đàm phán phải thay đổi.

Hình thức đưa ra tương đương với cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1, đó là mời tất cả các thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cùng đại diện một số quốc gia Arab như Saudi Arabia hay Ai Cập. Chúng tôi cũng nhận thấy hiện nay có rất nhiều quốc gia ủng hộ lập trường của Palestine, trong đó có cả một số đồng minh của Mỹ. Và chính các chính quyền Mỹ trước đây cũng không đồng ý về vấn đế này. 

PV: Đại sứ có thể cho biết quyết định của Mỹ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine như thế nào?

Đại sứ Saadi Salama: Palestine không bao giờ chấp nhận vai trò của Mỹ là trung gian nữa bởi Mỹ đã đứng bên cạnh và ủng hộ quan điểm của Israel coi Jerusalem là thủ đô của nước này. Palestine đã rất mềm dẻo và nhân nhượng trong rất nhiều cuộc đàm phán. Tuy nhiên cơ chế đàm phán đã không còn giá trị kể từ sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Khi nào Mỹ thay đổi quan điểm thì lúc đó Palestine sẽ xem xét lại.

Trước kia, Mỹ từng cam kết với Palestine bằng văn bản là sẽ làm trung gian hòa giải các vấn đề mâu thuẫn giữa Israel và Palestine, như vấn đề biên giới, khu định cư, nước và tù nhân Palestine trong các nhà tù của Israel. Đây là những vấn đề không thể giải quyết đơn phương mà phải thông qua đàm phán và các bên cần cùng nhau thống nhất giải quyết.

Do vậy việc Mỹ quyết định chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem là Mỹ đã ủng hộ một thái độ đơn phương, không liên quan đến cơ sở và cam kết hai bên đã thống nhất để tiếp tục đàm phán, giải quyết vấn đề. Việc Mỹ phủ nhận chính những cam kết mà nước này đưa ra là một bước đi nguy hiểm, làm xói mòn sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.

PV: Đại sứ đánh giá thế nào về phản ứng của một số nước Châu Âu đối với  kế hoạch chuyển đại sứ quán của Tổng thống Donald Trump?

Đại sứ Saadi Salama: Trước đây quốc hội của nhiều nước Châu Âu đã có quyết định công nhận Nhà nước Palestine. Palestine cũng có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với Pháp hay một số nước Châu Âu và nhận thấy quan điểm rõ ràng của Châu Âu là không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Họ cũng cho biết sẽ không di chuyển đại sứ quán từ Tel Avip tới Jerusalem.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian trả lời câu hỏi của PV VOV./.