Quyết định này được xem là đi ngược lại với lập trường của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề quy chế của Jerusalem, cũng như thúc đẩy con tàu hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine.
Ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2019, việc di dời Đại sứ quán Mỹ từ thủ đô Tel Aviv sang Jerusalem sẽ được tiến hành ngay vào tháng 5 tới, trùng thời điểm kỷ niệm lần thứ 70 ngày ra đời Nhà nước Do thái (14/05/1948). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã gọi đây là một “bước tiến lịch sử” và nhấn mạnh, nước Mỹ “vô cùng mong chờ” sự kiện này.
Theo kế hoạch, Đại sứ quán Mỹ bước đầu sẽ được đặt tại khu phố Arnona, trong một tòa nhà hiện đại hiện đang là cơ sở của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem. Tòa nhà này sẽ được mở rộng vào năm 2019 để cung cấp thêm không gian làm việc cho Đại sứ. Cùng lúc đó, Mỹ sẽ tìm kiếm một địa điểm khác và xây dựng trụ sở đại sứ quán chính thức để phục vụ mục đích sử dụng lâu dài.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ngay lập tức gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Mỹ Donald Trump khi làm cho buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Israel trở nên ý nghĩa hơn.
“Đây là một thời điểm tuyệt vời đối với Nhà nước Israel. Quyết định của Tổng thống Donald Trump di chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem sẽ khiến ngày lễ Độc lập của chúng tôi trở nên tuyệt vời hơn. Cảm ơn ông Donald Trump vì vai trò của lãnh đạo của ông ấy”, ông Netanyahu tuyên bố.
Tuy nhiên, đối với người Palestine thì đây lại là một sự khiêu khích. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố mọi hành động đơn phương không hỗ trợ hòa bình và không phù hợp với luật pháp quốc tế sẽ cản trở các nỗ lực đạt được thỏa thuận trong khu vực và tạo ra môi trường tiêu cực.
Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erakat cho rằng, quyết định này chứng tỏ Mỹ “quyết tâm vi phạm luật pháp quốc tế, kích động nhân dân Palestinee cũng như tất cả những người Arab, Hồi giáo và Thiên chúa giáo trên khắp thế giới”.
Theo ông Eraket, dường như Mỹ đang tự tách mình ra, biệt lập hoàn toàn với cộng đồng thế giới, tự tay xóa bỏ vai trò của mình như một phần của giải pháp hòa giải Israel- Palestine, mà thay vào đó là một phần của sự xung đột.
Trên khắp các đường phố Palestine và đặc biệt là Jerusalem, người dân không thể che giấu được sự thất vọng và tức giận trước thông báo mới này của các quan chức Mỹ.
Một số người dân Palestine chia sẻ: “Nếu Mỹ di chuyển Đại sứ quán vào tháng 5 tới, đúng dịp kỷ niệm 70 nằm ngày tuyên bố ra đời Nhà nước Do thái thể hiện sự không tôn trọng với người Palestine và với cộng đồng Arab nói chung. Đây là một sự khiêu khích.
Đông Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Palestine. Đây là thực tế và quyết định của Mỹ không phải là vì lợi ích của chúng tôi. Đây là một quyết định thực sự gây khó khăn cho người Arab”.
Quy chế Jerusalem là vấn đề rất nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel- Palestine. Israel chiếm đóng Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel.
Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Trong một phản ứng quốc tế đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích mạnh quyết định của Mỹ, cho rằng điều này là “cực kỳ đáng lo ngại”, cho thấy nước này “nhất quyết muốn làm tổn hại các điều kiện thúc đẩy hòa bình” tại Trung Đông.
Theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sẽ tiếp tục cùng với cộng đồng quốc tế bảo vệ những quyền hợp pháp của người Palestine. Hiện không có một quốc gia nào đặt đại sứ quán tại Jerusalem./.
“Tuyên bố của Trump về Jerusalem đánh vào trái tim luật pháp quốc tế”