Theo Reuters, ngày 13/1, Israel đã tổ chức lễ an táng cựu Thủ tướng Ariel Sharon tại trang trại riêng của gia đình ông.

Trong lễ tang ông Sharon được tổ chức ở Jerusalem và sau đó là tại trang trại của ông, những người dự tang lễ đã ca ngợi cuộc đời của một con người gắn chặt với việc hình thành nhà nước Do Thái năm 1948 nhưng cũng không quên nhắc đến những tranh cãi đã làm nên sự nghiệp lẫy lừng của ông.

sharon_copy.jpg
Một người dân đến viếng trước mộ ông Sharon (Ảnh Reuters)

“Chúng ta đã đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, ông Sharon là một chiến binh và là một tư lệnh đặc biệt, một người luôn biết dành chiến thắng”, Tổng thống Israel Shimon Peres tuyên bố trước linh cữu của ông Sharon, được phủ một lá quốc kỳ Do Thái màu xanh trắng.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã đặt vòng hoa tại mộ của ông Sharon chỉ cách dải Gaza khoảng 10km.

Ông Sharon, 85 tuổi, qua đời ngày 11/1 sau khi trải qua 8 năm hôn mê và nằm bất động trong bệnh viện sau khi bị đột quỵ.

Cái chết của cựu Thủ tướng Sharon đã lại làm bùng lên những tranh cãi về những di sản ông để lại.

Những người đối lập lên án nhiều chiến dịch quân sự tàn độc của ông Sharon, trong khi bạn bè của ông lại ca ngợi ông là một chiến lược gia đại tài đã từng khiến thế giới phải ngỡ ngàng khi quyết định rút binh sỹ và người định cư ra khỏi dải Gaza vào năm 2005.

“An ninh của người dân Israel luôn là một sứ mệnh không thể thay đổi của Arik (tên thân mật của ông Sharon) - một cam kết không thể lay chuyển về tương lai của những người Do Thái dù là sau 30 năm hay 300 năm nữa”, Phó Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không hề có những lời đề cập đến những sự kiện đã khiến ông Sharon trở thành một nhân vật bị thế giới Arab căm ghét như vụ tấn công Lebanon năm 1982 khi ông còn là Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong điếu văn của mình, Thủ tướng Anh đã nói rằng ông Sharon được người dân Israel gọi là “máy ủi” và để lại “rất nhiều đống đổ nát ở nơi ông đi qua”.

Trong khi đó, ông Biden khi nhắc đến những sai lầm của ông Sharon đã bào chữa cho ông rằng: “Lịch sử sẽ phán xét rằng ông Sharon đã phải sống trong một giai đoạn có rất nhiều biến động phức tạp bên cạnh những người hàng xóm cũng rất phức tạp”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết không phải lúc nào ông cũng đồng quan điểm với ông Sharon về những chính sách của ông Sharon dù cả hai người đều muốn đảm bảo quyền lợi về chính trị của Israel. Ông Netanyahu cũng ca ngợi những cam kết của ông Sharon về an ninh của Israel.

“Arik hiểu rằng chúng ta phải rất cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến sự tồn tại và an ninh của chúng ta. Israel sẽ tiếp tục chiến đấu với những kẻ khủng bố. Israel sẽ luôn hướng tới hòa bình trong khi vẫn bảo đảm an ninh của chúng ta. Israel sẽ thực thi nhiều biện pháp để ngăn chặn khả năng Iran tự trang bị các loại vũ khí hạt nhân”, ông Netanyahu nhấn mạnh.

“Ông đã bỏ chúng ta ra đi quá đột ngột, nhưng những nỗ lực để đạt được hòa bình tại Trung Đông vẫn luôn được tiếp tục”, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói và cho rằng, nếu ông Sharon còn sống và mạnh khỏe, ông sẽ tiếp tục việc rút quân khỏi dải Gaza để chấm dứt hàng thế kỷ xung đột giữa Israel và Palestine.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố, nhiều đại biểu từ 21 quốc gia đã tham dự đám tang của ông Sharon, tuy nhiên Bộ này cho biết trong danh sách của mình không hề có tên của các đoàn đại biểu từ Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh./.