Chính phủ Israel hôm qua (11/1) thông báo, tang lễ của cựu Thủ tướng Ariel Sharon sẽ được cử hành theo nghi thức quốc gia vào ngày mai (13/1) và ông sẽ được an táng gần tư dinh ở miền Nam Israel. Cựu Thủ tướng Sharon, người vừa qua đời tối qua ở tuổi 85 sau 8 năm hôn mê, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá là một nhân vật để lại nhiều dấu ấn lịch sử hiện đại của Trung Đông và cả những cảm xúc trái ngược của dư luận.

Trong bài phát biểu tưởng nhớ cựu Thủ tướng Arien Sharon, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi ông với tư các là “một chiến binh dũng cảm” và là “một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại của Israel trong lịch sử hiện đại”. Tổng thống Israel Shimon Perez cũng khẳng định, cựu Thủ tướng Sharon được ngưỡng mộ ở trong nước và được tôn trọng ở nước ngoài.

tuong%20sheron.jpg
Ông Sharon khi là Thiếu tướng quân đội. Trong ảnh, ông Sharon đang đứng cạnh kênh đào Suez (ảnh: Jewish Journal)

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Ehud Olmert, người kế nhiệm ông Sharon năm 2006 bày tỏ: “Arien Sharon là một con người kiên định, cứng rắn và đôi khi tàn nhẫn nếu cần thiết để hoàn thành công việc của mình. Nhưng trước hết ông ấy là người quả quyết, dám quyết và dám nhận trách nhiệm. Không có ai được như ông và có lẽ là không bao giờ có.”

Ông Sharon được bầu làm Thủ tướng lần đầu tiên vào tháng 2/2001 và tháng 11/2005, ông rời đảng cánh hữu Likud để thành lập một đảng mới có chủ trương ôn hòa là Kadima. Cũng vào năm này, ông quyết định rút quân và những người định cư khỏi Dải Gaza, đồng thời có những nhượng bộ tại khu vực Bờ Tây. Động thái được cho là bất ngờ này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhóm theo lập trường cứng rắn ở Israel. Nhưng điều đó không xóa được những cáo buộc của các tổ chức nhân quyền rằng chính cựu Thủ tướng Arien Sharon là người phải chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát người tị nạn Palestine ở Libăng năm 1982. Và đây cũng là lý do khiến sự ra đi của ông lúc này mang lại nhiều cảm xúc trái ngược.

Anh Mordakhai Willner một người dân ở Jerusalem chia sẻ: “Ông ấy đã đẩy người Do Thái ra khỏi nhà của họ và gây ra sự chịu đựng này. Vì thế đối với tôi chẳng có gì thay đổi khi ông ấy chết.”

Trong khi đó, một người dân Jerusalem khác cho biết: “Arien Sharon là hình mẫu cho người Do Thái ở nước ngoài, để họ cảm thấy can đảm và tự tin hơn khi là một phần của đất nước này và đấu tranh vì quyền đó với niềm tự hào.”

Sau 8 năm vắng bóng trên chính trường, sự ra đi của cựu Thủ tướng Sharon vẫn gợi lại những biến cố quan trọng nhất của lịch sử hiện đại Trung Đông, có tầm ảnh hưởng đến cả tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine mới được nối lại.

Một thân tín của ông Sharon khi còn tại nhiệm, ông Raanan Gissin cho biết: “Đây là một sự mất mát lớn cho Israel. Dù đã hôn mê 8 năm qua nhưng ông ấy vẫn được nhớ đến. Ông ấy am hiểu Israel về quân sự, phát triển kinh tế và nông nghiệp. Ông ấy đại diện cho một nước Israel đích thực và mới mẻ.”

Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây ca ngợi ông Sharon là một người xây dựng hòa bình với dẫn chứng là ông đã theo đuổi việc đối thoại với người Palestine vào những năm cuối còn tại nhiệm.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi sự ra đi của ông Sharon là “sự mất mát một nhà lãnh đạo đã cống hiến cuộc đời cho nhà nước Israel” và vinh danh những cam kết của ông đối với Nhà nước Do Thái này. Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận, khi còn là Thủ tướng, ông Sharon cũng đã có nhiều khác biệt về quan điểm với Mỹ song bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ý chí quyết tâm của ông vì an ninh và sự tồn vong của Nhà nước Do Thái Israel.

Thủ tướng Anh David Cameron gọi ông Sharon là “một trong những nhân vật nổi bật nhất trong lịch sử Israel, và với tư cách là Thủ tướng, ông đã đưa ra những quyết định dũng cảm, đôi khi gây tranh cãi, để theo đuổi hòa bình”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng, “ông Sharon sẽ được nhớ đến bởi sự dũng cảm trong chính trị và quyết tâm thực hiện điều đó với những quyết định khó khăn nhưng mang tính lịch sử như việc rút khu định cư và quân đội khỏi Dải Gaza.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng ông Sharon đã là người “có bước đi lịch sử trên con đường hòa giải với Palestine.”

Trong số các nhà lãnh đạo có thể tham dự tang lễ của ông Sharon có Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair./.