sharon.jpg
Cựu Thủ tướng Israel, Ariel Sharon (Ảnh: AP)
Ngày 11/1, cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon đã qua đời sau 8 năm hôn mê vì một cơn đột quỵ năm 2006, thọ 85 tuổi.Tại Israel, ông Sharon có lẽ là một chính khách gây nhiều tranh cãi nhất. Trên cương vị Thủ tướng, ông Sharon từng kiên quyết mở rộng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất do Israel chiếm đóng. Tuy nhiên, năm 2005, ông lại có 1 quyết định gây sốc khi đơn phương rút binh lính và người Israel định cư tại Dải Gaza và Bờ Tây về nước.Ông Sharon qua đời cũng đã gợi lên nhiều cảm xúc trái ngược. Các chính khách Israel đã ngợi ca cựu Thủ tướng Sharon là “một chiến binh dũng cảm” và là “một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại của Israel trong lịch sử hiện đại”. Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây ca ngợi ông Sharon là một người xây dựng hòa bình với dẫn chứng là ông đã theo đuổi việc đối thoại với người Palestine vào những năm cuối còn tại nhiệm.Ngược lại, trước cái chết của ông Ariel Sharon, có rất ít buồn đau trong cộng đồng Palestine ở cả Bờ Tây và Dải Gaza. Ở Khan Younis thuộc Gaza, người ta thậm chí còn phát kẹo nhân dịp này và đốt các tấm poster chân dung cố Thủ tướng Israel.
Bức ảnh trên cho thấy hai chiếc tàu khảo sát Trung Quốc ở giữa bãi cạn Scarborough, vùng biển tranh chấp giữa Philipines và Trung Quốc, cách khoảng 124 hải lý ngoài khơi đảo Luzon (Ảnh: Reuters)
Trước việc chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ban hành biện pháp thực hiện lệnh ngư nghiệp Trung Quốc của tỉnh Hải Nam và thăm dò trên phần lớn diện tích Biển Đông, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, nhiều nước đã lên tiếng phản ứng trước quyết định phi lý này của Trung Quốc.Ngày 10/1, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”.Ngày 10/1, tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho rằng: Các quy định mới của Trung Quốc sẽ làm "leo thang căng thẳng không cần thiết, đồng thời làm phức tạp tình hình ở Biển Đông, cũng như đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực".
Trước đó, sáng 10/1 (theo giờ Việt Nam), tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh: “Việc thông qua những giới hạn như vậy đối với hoạt động đánh bắt cá của các nước khác tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông là hành động khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng. Những quy định đó dường như được áp dụng trong phạm vi vùng biển mà Trung Quốc gọi là đường chín đoạn. Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ giải thích hoặc cơ sở nào theo luật pháp quốc tế cho những yêu sách hàng hải mở rộng đó”. 
Người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại Bangkok (Ảnh: Reuters)
Sáng 11/1, hai tay súng không rõ danh tính đã nã đạn vào đám đông người biểu tình tại thủ đô Bangkok khiến 7 người bị thương. Vụ việc này làm dấy lên nguy cơ bạo lực sẽ tiếp diễn khi người biểu tình dự định sẽ bao vây thủ đô Bangkok trong tuần tới nhằm gây áp lực buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức.
Trước cuộc đại biểu tình do phe đối lập phát động với mục tiêu "đóng cửa Bangkok", ngày 12/1, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã yêu cầu tất cả các sỹ quan cảnh sát và quân đội thể hiện sự kiềm chế tối đa và không sử dụng mọi loại vũ khí để đối phó với người biểu tình.Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok khuyến cáo cư dân ở đây tích trữ tiền mặt, thực phẩm và nước uống đủ dùng trong 2 tuần. Trong khi đó, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha thì cho biết, ông quan ngại về khả năng đụng độ bạo lực và thừa nhận một thực tế là ông không thấy có giải pháp nào giúp chấm dứt khủng hoảng của đất nước.
Tình cảm quyến luyến giữa bộ đội tình nguyện Việt Nam và nhân dân Campuchia (ảnh: vnmilitaryhistory)
Sáng 7/1, tại thủ đô Phnom Penh đã diễn ra mít tinh trọng thể kỷ niệm chiến thắng lịch sử lật đổ chế độ tàn bạo của Pol Pot.Phát biểu tại lễ mít-tinh trọng thể với sự tham gia của hàng chục nghìn quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Samdech Heng Samrin khẳng định, nhân dân Campuchia đang được sống trong hòa bình và tiến bộ.

Tuy nhiên, toàn thể dân tộc sẽ không bao giờ quên giai đoạn đen tối nhất, chưa từng có trong lịch sử đất nước, dưới chế độ diệt chủng, khi trên 3 triệu người Campuchia đã bị tàn sát một cách có hệ thống, trong thời gian cầm quyền kéo dài 3 năm 8 tháng 20 ngày của Pol Pot và đồng bọn. Thảm họa diệt vong dân tộc hoàn toàn đã có thể xảy ra, nếu không có sự giải cứu kịp thời.

Chủ tịch Heng Samrin nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, Đảng Nhân dân Campuchia đã đứng lên thống nhất các lực lượng kháng chiến dưới ngọn cờ của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia. Với sự ủng hộ của toàn thể nhân dân, và sự giúp đỡ vô cùng to lớn của bộ đội tình nguyện Việt Nam, quân đội của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia đã tấn công lật đổ chế độ Pol Pot ngày 7/1/1979.

35 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng lịch sử đó vẫn còn nguyên ý nghĩa to lớn đối với mọi thế hệ người dân Campuchia cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới.
Đại diện các nhóm đối lập Syria tại Cordoba (Ảnh Reuters)
Dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, Nga và Mỹ, Hội nghị hòa bình Syria (Geneva 2) dự kiến sẽ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 20/1 tới đây.

Trong khi chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ diễn ra các cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa lực lượng đối lập và Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, các nước phương Tây vẫn chưa thể thống nhất được các nhóm đối lập tại Syria.

Tại cuộc họp ở thành phố Cordoba của Tây Ban Nha ngày 10/1 các nhóm đối lập ra thông cáo đề xuất thành lập một Ủy ban phối hợp các nhóm đối lập, với mục tiêu tổ chức hội nghị quốc gia với sự tham dự của 1.000 người. Ủy ban mới sẽ không phải là một cơ quan chính trị và không thay thế cho Liên minh Dân tộc được các nước phương Tây và Arab ủng hộ.Liên minh Dân tộc Syria đang có sự chia rẽ nội bộ nghiêm trọng nên đã phải hoãn việc có quyết định tham dự Hội nghị Geneva 2 hay không sang tuần tới.

Trong khi đó, chính phủ Syria cho đến nay vẫn khẳng định sẽ tham dự Hội nghị hòa bình Geneva 2 để “xây dựng một đất nước Syria đổi mới chỉ vì lợi ích của Syria”.
Nhà ngoại giao Ấn Độ Khobragade (Ảnh: heavy.com)

Quan hệ ngoại giữa Mỹ và Ấn Độ đang trong giai đoạn khủng hoảng sau khi Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ Devyani Khobragade ngày 19/12 bị bắt giữ với cáo buộc làm giả visa và khai sai thông tin hợp đồng lao động của một người làm thuê cho bà.

Bà Khobragade đã bị một toà án ở New York xét xử ngày 9/1 nhưng sau đó đã được Washington cấp quyền miễn trừ ngoại giao đầy đủ và cho phép bà trở lại Ấn Độ ngày 10/1.

Ngay sau đó, New Delhi đã yêu cầu Mỹ rút một nhân viên ngoại giao đồng cấp với bà Khobragade của nước này khỏi Ấn Độ, một động thái được cho là làm leo thang căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước.

Trước đó, ngày 8/1 Ấn Độ đã dỡ bỏ một hàng rào an ninh tại Đại sứ quán Mỹ ở New Dheli và yêu cầu Đại sứ quán Mỹ cung cấp tất cả chi tiết hợp đồng lao động của những người được các nhân viên ngoại giao Mỹ thuê giúp việc cho mình.Trước những động thái ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao Mỹ - Ấn Độ, ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: Mỹ hy vọng Ấn Độ cũng sẽ có những hành động đáng kể để cùng với Mỹ khôi phục quan hệ ngoại giao, đưa mối quan hệ trở lại vị trí còn mang tính xây dựng hơn./.