Cựu Thủ tướng Sharon bị hôn mê suốt từ năm 2006 đã qua đời tại 1 bệnh viện ở Tel Aviv vào hôm 11/1 sau hơn 1 tuần suy một số nội tạng bao gồm gan.

sharon%20tang%20le.jpg
Người Israel tỏ lòng tôn kính khi họ đi qua linh cữu phủ cờ của ông Sharon. Chiếc quan tài nằm tại Quốc hội Israel, Jerusalem hôm 12/1 (ảnh: Reuters)

Một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất của Israel, ông Sharon (85 tuổi) - được biết đếnvới biệt danh Arik - nổi lên thành sĩ quan hàng đầu trong quân đội Israel, tham gia vào các cuộc chiến tranh của nước này và giành được tiếng tăm của một chiến lược gia quân sự hàng đầu.

Ông đã lập ra và chỉ huy đơn vị biệt kích 101, chuyên tiến hành các vụ đột kích táo bạo xuyên biên giới và tạo nên hình mẫu cho các đơn vị tinh nhuệ khác trong quân đội Israel.

Vẻ ngoài tuấn tú và được nhiều binh lính dưới quyền ngưỡng mộ, Ariel Sharon là một chiến binh xuất sắc mà những người lập quốc Israel hướng tới. Thủ tướng David Ben- Gurion và Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan đều ngày càng yêu mến Sharon và bỏ qua tính ương bướng của ông khi ông thăng tiến dần trong hàng ngũ quân đội.

Lật ngược tình thế

Trong cuộc chiến 1973 giữa Israel và khối Arab, ông Sharon chỉ mới tái ngũ khi chiến đấu ở mặt trận phía nam. Ông chỉ huy các lực lượng Israel táo bạo vượt kênh đào Suez, nhốt chặt một bộ phận quân đội Ai Cập. Điều này đã giúp thay đổi hẳn cục diện chiến trường.

Một bức ảnh Sharon đầu băng bó trên kênh đào Suez đã trở thành hình ảnh có tính biểu tượng về cuộc chiến năm đó.

Tướng trẻ Ariel Sharon (giữa) trong cuộc chiến 6 ngày của Israel vào năm 1967 (ảnh: EPA)

Sau cuộc chiến này Sharon bước vào chính trường và có vai trò quan trọng trong việc lập ra đảng Likud – liên minh của các chính đảng cánh hữu do Menachem Begin cầm đầu. Với tư cách là người phụ trách chiến dịch tranh cử 1977, ông đã góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng đầu tiên trong bầu cử của phái hữu Israel.

Được Begin bổ nhiệm làm Thứ trưởng nông nghiệp, Sharon trở thành kiến trúc sư của chương trình định cư Do Thái ở Bờ Tây và Gaza, thiết lập hàng chục khu dân cư Do Thái thách thức cộng đồng quốc tế.

Thời đó ông tóm tắt chính sách định cư của mình như sau: “Mọi người phải chạy nhanh và chộp lấy thật nhiều đỉnh đồi ở Bờ Tây để mở rộng các khu định cư bởi vì mọi thứ chúng ta chiếm hiện nay sẽ là của chúng ta. Mọi thứ mà chúng ta không giằng lấy sẽ rơi vào tay họ”.

Chuyển sang dân sự

Với tư cách là chính trị gia, Sharon thể hiện sự quyết tâm tới mức “tàn nhẫn” giống như trong sự nghiệp quân sự của ông. Được gọi là “máy ủi”, ông sẵn sàng “’làm tắt” và hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng, đồng thời “đập tơi tả” các đối thủ của mình.

  >> Đọc thêm: Tình báo Israel đã ám sát tư lệnh quân sự Hamas ra sao?

Khi làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông là nhân vật chủ mưu cuộc xâm lược gây tranh cãi vào Lebanon năm 1982 với cái cớ đẩy lui lực lượng PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine) ra khỏi biên giới phía bắc của Israel 40km, để Israel nằm ngoài tầm bắn của hỏa tiễn Katyusha.

Nhiều người tin là ông Sharon đã nói dối ông Begin khi tiến quân vào Beirut nhằm thiết lập một chính phủ thân Israel ở Lebanon.

Ông Sharon buộc phải từ chức Bộ trưởng quốc phòng sau khi một ủy ban điều tra phát hiện ông chịu trách nhiệm về việc không ngăn chặn được những người Kitô giáo thảm sát những người Palestine ở 2 trại tị nạn tại Beirut.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Sharon (trái) bên cạnh Thủ tướng Begin (giữa) tại Sinai, Ai Cập năm 1977 (ảnh: EPA)

Sharon được bầu làm lãnh đạo đảng đối lập Likud vào năm 1999. Năm sau, chuyến thăm của ông tới đền Mount ở Jerusalem đã khơi mào cho các cuộc bạo động của người Palestine mà về sau phát triển thành một phong trào nổi dậy bạo lực trên khắp Bờ Tây và dải Gaza.

Trở thành Thủ tướng vào năm 2001, Sharon đã lệnh cho quân đội Israel quay trở lại các thành phố và khu tị nạn ở Bờ Tây nhằm đáp trả làn sóng đánh bom cảm tử và loại bỏ tận gốc các chiến binh Palestine.

Tuy nhiên Sharon sau đó nhận thấy rằng việc Israel kiểm soát dải Gaza là không ổn và đã ra lệnh đơn phương rút lui, chấm dứt thời kỳ chiếm đóng 38 năm của Israel đối với mảnh đất này. Ông đã triệt thoái quân đội và phá dỡ tất cả 21 khu định cư gồm khoảng 8.000 cư dân Do Thái.

Thế là, người khởi xướng phong trào định cư lại trở thành nhân vật bị phái hữu căm ghét và gặp phải sự chống đối ngày càng lớn trong đảng Likud.

Sau đó, ông Sharon bỏ đảng này và lập ra đảng trung dung Kadima. Nhưng đầu năm 2006 ông bị đột quỵ nặng và rơi vào trạng thái thực vật kể từ đó, tự thở được nhưng phải sống nhờ tiếp dưỡng qua ven./.