Là một bác sĩ trị liệu, Kenta Toshima tại trường Đại học Tokyo đã đi vòng quanh thế giới, ghi lại những đoạn video ở những nơi anh đi qua để mang về cho những bệnh nhân lớn tuổi được anh điều trị. Mục đích của Toshima là giúp bệnh nhân của mình tìm được niềm vui và động lực trong cuộc sống. Việc sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) cho phép những người không có khả năng đi xa có thể thỏa mãn nhu cầu phiêu lưu và được ngắm nhìn thế giới.

thuc_te_ao_du_lich_pjye.jpg
Theo dõi thực tế ảo. Ảnh: CNN.

Anh Toshima chia sẻ với CNN rằng: “Những bệnh nhân của tôi muốn được ngắm nhìn những nơi nằm trong ký ức của họ, bởi vậy tôi cảm thấy rằng tôi có thể cho họ xem nhiều hơn bằng cách sử dụng công nghệ thực tế ảo, hiển thị các hình ảnh trong không gian 360 độ. Với công nghệ này, họ có thể trải nghiệm các cảnh quay một cách sống động”.

Sau này, anh Toshima đã kết hợp với các giảng viên Đại học Tokyo và giáo sư trợ lý Atsushi Hiyama, người có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực dưỡng sinh.

Họ cùng nhau ứng dụng các công nghệ, chẳng hạn như thực tế ảo, để hỗ trợ cộng đồng người cao tuổi ở Nhật Bản, đồng thời dạy họ cách quay phim và chỉnh sửa các đoạn video quay những chuyến đi của họ để chia sẻ cho những người bạn có ít khả năng đi lại hơn.

Hiyama cho biết: “90% những người trên 65 tuổi ở đây đều khá hoạt bát. Họ không cần hỗ trợ khi sống một mình. Đối với họ, việc này có ý nghĩa rằng họ đang đóng góp cho xã hội”.

“Vùng đất mới được mở ra ngay trước mắt”

Lớp học đặc biệt của nhóm Kenta Toshima bao gồm các học viên có độ tuổi từ 53 đến 90 tuổi tìm hiểu về công nghệ thực tế ảo đã được tổ chức bắt đầu từ khoảng 1 năm trước.

Một “học viên” của lớp, ông Takeshi Maki 82 tuổi chia sẻ về chuyến đi Hawaii của mình cùng chiếc máy quay 360 độ: “Tôi có những người bạn không còn đi xa được nữa, vì chúng tôi đã hơn 80 tuổi. Khi tôi cho họ xem đoạn phim, họ thật sự rất bất ngờ. Các bạn đều biết rằng hầu hết những người cao tuổi đều gặp khó khăn trong việc đi lại chứ? Chiếc máy quay này có thể giúp họ”.

Theo Hiyama và Toshima, dự án du lịch thực tế ảo này đang được kết hợp với việc phục hồi chức năng thể chất trong các cơ sở chăm sóc điều dưỡng. Họ mong rằng những kỳ nghỉ thực tế ảo này có thể giúp bệnh nhân lớn tuổi phục hồi về cả thể chất và tinh thần tốt hơn.

Anh Toshima cho biết thêm: “Những người đã sống đến 80-90 năm, có rất nhiều thứ họ chưa được trực tiếp trải nghiệm. Qua lăng kính công nghệ, họ được chu du đến các vùng đất khác nhau ngay trước mắt. Tôi đã chứng kiến cảnh những người đứng lên dù thường ngày họ hiếm khi đứng, và rồi bắt đầu đi lại. Quả là sốc”.

Anh Hiyama chia sẻ: “Kể cả khi tình trạng thể chất và tinh thần của chúng ta giảm sút do tuổi tác, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm và tham gia các hoạt động xã hội bằng công nghệ thực tế ảo này.”/.