Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, tính đến ngày 30/9/2018, số người từ 100 tuổi trở lên tại Nhật Bản đạt con số kỷ lục là trên 69.000 người. Điều này cho thấy Nhật Bản càng ngày càng đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu nguồn nhân lực.

nguoi_gia_nhat_ban_ajdt.jpg
Một cụ ông rèn luyện thể lực tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, số người cao tuổi vận động vì muốn tăng cường sức khỏe ngày càng tăng. Theo khảo sát hàng năm do Cục Thể thao Nhật Bản tiến hành trong năm tài chính 2017, số nữ giới từ 65 tuổi trở lên và nam giới từ 70 tuổi trở lên tập luyện thể thao mỗi ngày tăng cao kỷ lục. Ngoài ra, tại Nhật Bản còn có những câu lạc bộ leo núi dành cho người cao tuổi được người già rất ưa thích.

Chính phủ đang kêu gọi người dân tăng cường vận động để có thể cắt giảm chi phí y tế và điều dưỡng ngày càng gia tăng cũng như nâng chỉ số "sống lâu khỏe mạnh".

Chỉ số "sống lâu khỏe mạnh" là số năm một người có thể sống mà không cần phải chăm sóc.

Theo điều tra năm 2016 của Bộ Y tế, chỉ số này ở nữ giới là 74,79 tuổi và ở nam giới là 72,14 tuổi. Cả hai con số này đều cao hơn so với điều tra được tiến hành vào năm 2015.

Giáo sư Naito Hisashi thuộc Khoa Khoa học Sức khỏe và Thể thao, Đại học Juntendo cho biết dù bao nhiêu tuổi, nhưng nếu vận động, cơ thể sẽ tiếp tục hoạt động và dẻo dai. Ông hy vọng Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ là cơ hội để người dân lại quan tâm đến thể dục thể thao./.