Không thể phủ nhận Trung Quốc từng thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 và nhanh chóng phục hồi kinh tế trong nước. Tuy nhiên, chiến lược chống dịch nghiêm ngặt kéo dài cũng đang gây đảo lộn cuộc sống và công việc hàng ngày của người dân, thậm chí đe dọa làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Làm bạn với thạch sùng vì tự dưng bị cách ly
Anh Nhuế, có một căn hộ đang sửa tại Khu chung cư số 1 Kiều Tử thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc. 3h chiều ngày 2/11, anh đến gặp đội sửa chữa để bàn việc. Nửa tiếng sau, anh nhận được cuộc gọi thông báo khu nhà bị phong tỏa vì có một ca Covid-19. Hàng nghìn con người không được phép ra ngoài.
Mọi thứ đến quá bất ngờ, căn hộ lại đang ngổn ngang vật liệu, anh chọn ở lại trong ô tô riêng, mặc dù khu dân cư có bố trí nơi tạm trú cho những người như anh ở tầng hầm hoặc tại một công ty chuyên cung cấp nước đóng chai cho cư dân. Đã có hơn 10 người chọn “cách ly tại xe” như anh.
Đợi anh phía trước là 14 ngày phong tỏa cùng ít nhất 4 lần xét nghiệm, theo thông báo sau khi khu nhà trở thành vùng có nguy cơ trung bình. Từ khi đi làm đến nay, anh chưa từng nghỉ dài như vậy, tự dưng cảm thấy “chán”. Anh đã làm tất cả những gì có thể, như chơi game, xem các chương trình giải trí. Anh bảo, “chỉ có một mình, không ai trò chuyện, khó chịu lắm.” Nhân viên tổng đài tư vấn là người nói với anh nhiều nhất.
Một buổi tối, phát hiện trên kính xe có 1 con thạch sùng, anh vội vàng chụp ảnh và gọi người bạn mới là “người anh em thạch sùng của tôi”. Nhiều lúc anh nghĩ, giá như hẹn sớm hơn 1 ngày, hoặc đến muộn nửa tiếng thôi, chắc anh đã không phải cám cảnh đến thế.
Bật đèn đỏ toàn thành phố khi có ca Covid-19
Tính đến nay, ít nhất có 1 huyện và 1 thành phố ở Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển tất cả đèn giao thông sang màu Đỏ sau khi cơ quan y tế địa phương thông báo ghi nhận các ca Covid-19.
Vụ đầu tiên xảy ra ở huyện Diên Sơn, tỉnh Giang Tây, miền Đông Nam nước này lúc 21h ngày 30/10. Sau giờ này, tất cả xe vượt đèn đỏ đều bị xử vi phạm. Nguyên nhân là do “nhu cầu chống dịch địa phương”, nhằm hạn chế sự đi lại của người dân. Huyện này vừa tổ chức họp báo tối cùng ngày, thông báo phát hiện một ca Covid-19. Trước đó, Diên Sơn đã có 610 ngày không có dịch cộng đồng.
Chiều ngày 4/11, cư dân mạng thành phố Trang Hà, tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc Trung Quốc đồng loạt đăng thông tin về việc thành phố có khoảng 820.000 dân này bắt đầu bước vào trạng thái “tạm dừng”, sau khi tất cả đèn giao thông chuyển đỏ, xe buýt đứng chặn ở các giao lộ.
Thông tin này sau đó đã được một nhân viên của đội cảnh sát giao thông thành phố xác nhận và lý do là vì dịch bệnh. Toàn bộ thành phố bị cấm đi lại bằng các phương tiện giao thông vì cùng ngày Trang Hà phát hiện một ca dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, khoảng 710 nhân viên y tế, 1000 cán bộ và tình nguyện viên đã được huy động. 129 điểm xét nghiệm được dựng lên và các khu vực bị phong tỏa bắt đầu triển khai xét nghiệm đại trà.
Kỷ lục cách ly và theo dõi y tế 56 ngày đối với người nhập cảnh
Cách ly là biện pháp y tế bắt buộc mà Trung Quốc đang thực hiện đối với những người về từ bên ngoài lãnh thổ. Theo thống kê của truyền thông nước này, thời gian cách ly và chịu sự theo dõi sức khỏe của hơn 80% địa phương ở đây giờ đã vượt 21 ngày. Chính sách cách ly của Trung Quốc hiện không phân biệt giữa người đã tiêm hay chưa tiêm vaccine Covid-19.
Ngoài một số nơi vẫn duy trì chính sách cách ly 14 ngày tập trung, 7 ngày tại nhà, đa phần nay đã yêu cầu cách ly tập trung 14 ngày, tại nhà 7 ngày và 7 ngày theo dõi sức khỏe.
Hai thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải càng không ngoại lệ. Bắc Kinh yêu cầu cách ly tập trung 21 ngày và theo dõi sức khỏe 7 ngày đối với người nhập cảnh. Còn Thượng Hải, mặc dù chỉ yêu cầu cách ly tập trung 14 ngày và theo dõi tại khu dân cư 7 ngày, song trong thời gian cách ly và theo dõi phải làm tới 6 lần xét nghiệm.
Ngay cả những vùng lãnh thổ của Trung Quốc như Hong Kong cũng yêu cầu cách ly tại khách sạn 21 ngày, Ma Cao cách ly tập trung 14 ngày và theo dõi sức khỏe 14 ngày. Lý do đơn giản là để có thể được thông quan với Trung Quốc đại lục.
Nếu tổ chức một cuộc bình chọn về kỷ lục thời gian cách ly ở Trung Quốc, danh hiệu này chắc hẳn thuộc về thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, nơi đang có một trong những tâm dịch chính của đợt bùng phát mới – thành phố Đại Liên.
Theo quy định mới nhất, người nhập cảnh thẳng vào Thẩm Dương sẽ phải cách ly và theo dõi sức khỏe tổng cộng 56 ngày, con số chưa từng có từ trước đến nay. Trong đó, 28 ngày là cách ly tập chung với 7 lần xét nghiệm và 28 ngày còn lại là theo dõi sức khỏe với yêu cầu không ra ngoài nếu không cần thiết. Thông báo mới này đã được công bố từ cuối tháng 10.
Tranh luận về việc có nên xét nghiệm đại trà hay không
Mới đây, một cuộc tranh luận giữa các chuyên gia đã nổ ra ở Trung Quốc sau khi ông Quản Dật, người Giang Tây, hiện là giáo sư của Đại học Hong Kong, nhà khoa học có công ngăn SARS bùng phát năm 2004, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã kêu gọi, “đừng có đụng cái là xét nghiệm đại trà”. Theo ông, xét nghiệm kháng thể mới là quan trọng.
Ông tuyên bố rằng Covid-19 sẽ còn lây lan trong xã hội loài người một thời gian dài và “nếu việc đưa số ca nhiễm về 0 được coi là mục tiêu, tôi e rằng chúng ta không còn cơ hội.”
Ngay sau đó, giáo sư Bành Chí Dũng của Đại học Vũ Hán đã lên tiếng phản bác, cho rằng trong thời gian ủ bệnh 14 ngày, việc xét nghiệm đại trà là cần thiết. Tuy nhiên theo ông, sau vài lần xét nghiệm đại trà nên thu hẹp phạm vi và khoanh vùng đối tượng.
Cho đến ngày 13/11, ông Mễ Phong, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vẫn tuyên bố, nước này kiên quyết thực hiện mục tiêu phòng dịch “đưa ca nhiễm về 0”, trong bối cảnh đợt bùng phát mới đã lan ra 21/31 tỉnh, thành với gần 1400 ca bệnh.
Tính đến 12/11, hơn 2,37 tỷ liều vaccine đã được tiêm ở Trung Quốc đại lục. Hơn 49 triệu người dân nước này cũng đã hoàn thành tiêm mũi tăng cường và hơn 84 triệu trẻ em từ 3-11 tuổi đã được tiêm phòng Covid-19./.