Với 84% dân số Singapore đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi ngừa Covid-19, quốc gia này nằm trong số các nước có tỷ lệ dân cư tiêm chủng cao nhất thế giới. Nhiều người kỳ vọng áp lực lên giới chức Singapore sẽ giảm, giúp họ không phải duy trì giãn cách xã hội và các biện pháp hạn chế lây nhiễm khác.
Nhưng quốc đảo Singapore đang phải vật lộn với một trong các đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch này.
Bộ Y tế Singapore vào ngày 20/10 vừa qua đã phải tuyên bố kéo dài thêm một tháng nữa các biện pháp nghiêm ngặt ngăn chặn dịch được áp dụng vào cuối tháng 9/2021 nhằm ổn định tình hình và giảm thiểu áp lực lên hệ thống y tế của nước này.
Kinh nghiệm của Singapore hiện rất đáng xem xét trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu tái mở cửa kinh tế và coi Covid-19 như bệnh đặc hữu. Kinh nghiệm này có thể rất hữu ích với những nước mà cho tới nay đang duy trì số ca lây nhiễm ở mức thấp dựa vào các biện pháp hạn chế nhưng đang đứng trước áp lực phải chuyển sang quản lý (thay vì xóa sổ) Covid-19.
Sức ép lớn lên hệ thống y tế Singapore
Số ca mắc hàng ngày của Singapore lên mức cao kỷ lục là 3.994 ca vào ngày 19/10, và tổng số ca tử vong đã tăng 4 lần trong 1 tuần. Giới chức Singapore xác nhận áp lực gia tăng lên các bệnh viện và nhân viên y tế.
Theo Bộ Y tế Singapore, tính đến ngày 20/10, khoảng 89% số giường bệnh cách ly và 67% số giường bệnh hồi sức cấp cứu, bao gồm các giường bệnh cho các bệnh nhân không mắc Covid-19, đã kín chỗ ở các bệnh viện công.
Khoảng 10% số ca nhiễm được nhập viện do triệu chứng nặng hoặc bệnh lý nền, trong đó mỗi ngày có khoảng 100 người già chưa tiêm chủng phải nhập viện. Một số lượng người già tại Singapore bỏ qua tiêm chủng do nhiều lý do dù được quyền ưu tiên tiếp cận vaccine Covid-19 trước các nhóm nhân khẩu khác.
Một tỷ lệ lớn trường hợp bệnh nặng và tử vong do Covid-19 có liên hệ tới nhóm người già chưa được tiêm chủng. Đây được xem là “gót chân A-sin” trong nỗ lực chống dịch tại thành bang Singapore.
Theo Bộ Y tế Singapore, bệnh nhân chưa tiêm chủng chiếm tới 54,7% trong tổng số 495 trường hợp bệnh trở nặng trong các ngày gần đây ở Singapore, số khác đã được tiêm chủng nhưng mắc bệnh lý nền.
Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho hay người dân phải xếp hàng dài để có giường bệnh điều trị Covid-19 lẫn bệnh khác tại một số bệnh viện. Ông cho biết, bộ của ông sẽ huy động thêm các giường bệnh hồi sức cấp cứu nếu cần thiết, mặc dù điều này sẽ “làm giảm chất lượng dịch vụ bình thường và chăm sóc y tế bình thường”.
Kể từ khi Singapore áp dụng các biện pháp “ổn định hóa” vào ngày 27/9, số ca lây nhiễm mới chỉ bắt đầu đi ngang. Hoạt động tụ tập bị giới hạn xuống chỉ tối đa 2 người, và việc làm việc từ xa đã trở thành trạng thái mặc định của đảo quốc này. Nếu không có gì đặc biệt thì các biện pháp đó có thể được duy trì đến ngày 21/11 tới đây.
Kẹt giữa áp lực kinh tế và áp lực từ dịch bệnh
Các doanh nghiệp và người bán lẻ đã than vãn về đợt mở rộng giãn cách xã hội do Covid-19 mới nhất kéo dài cả tháng trong chuỗi các lần siết chặt hạn chế tính từ tháng 5/2021. Singapore đã phải công bố một gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động trị giá tới 475 triệu USD cho thời kỳ sau giãn cách.
Các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Singapore nằm trong số các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề nhất bởi các biện pháp giãn cách để ngăn dịch bệnh lây lan. Các nhóm công nghiệp đã kêu gọi chính phủ Singapore nới lỏng giãn cách.
Tuy nhiên, Đồng chủ tịch của nhóm chuyên trách liên bộ của Singapore về Covid-19, Lawrence Wong, cho rằng vẫn còn quá “rủi ro” nếu cho phép 5 người trong một hộ gia đình ăn uống cùng nhau ở nơi công cộng.
Trong khi đó, Singapore bắt đầu hoan nghênh việc nhập cảnh không kiểm dịch đối với các du khách đã tiêm chủng đến từ Mỹ và vài nước châu Âu. Động thái này khiến người ta lo ngại Singapore sẽ đối diện nguy cơ lớn hơn so với việc cho phép các cư dân của họ đã tiêm chủng đầy đủ được đi ăn ở nhà hàng với số lượng lớn theo cam kết về việc trao thêm tự do cho người đã sản sinh miễn dịch.
Giới hoạch định chính sách Singapore trước đó nhấn mạnh rằng tỷ lệ tiêm chủng cao là điều kiện tiên quyết cho giai đoạn mở cửa trở lại, và công chúng nước này bắt đầu chia rẽ về các mức độ “sống chung với Covid-19”.
Khi tâm lý bất mãn gia tăng trước cái mà nhiều người gọi là cách tiếp cận quá thận trọng, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về cách hạn chế “trùm chăn” (tức hạn chế diện rộng để phòng ngừa).
Paul Tambyah – chủ tịch Hiệp hội Vi sinh vật học và Lây nhiễm lâm sàng châu Á-Thái Bình Dương, cho biết, tỷ lệ lây nhiễm hiện nay ở Singapore cho thấy cần phải tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và tránh những hậu quả không mong muốn của cách hạn chế bao trùm.
Tuy nhiên, cũng xin lưu ý rằng ông Tambyah đồng thời là chủ tịch của đảng đối lập Singapore SDP.
Tambyah muốn chính phủ dỡ bỏ các lệnh hạn chế hiện nay trong vòng 1 tháng tiếp theo hoặc sớm hơn, vì ông cho rằng bệnh dịch đã lan tràn khắp Singapore và sự ưu tiên nên dồn vào những người già chưa tiêm chủng và bảo vệ những người yếu thế thay vì áp dụng các biện pháp có ít tác dụng nhưng lại gây trở ngại cho phần đông dân số nước này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong nói với báo giới rằng làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ không kéo dài “vô thời hạn” và sẽ đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó do một “sự cân bằng mới của virus”, khi dân chúng đã có được khả năng miễn dịch tốt hơn và có thêm nhiều người tiêm mũi tăng cường – chính sách được áp dụng cho các công dân từ 30 tuổi trở lên./.