Sự việc diễn ra trong bối cảnh Bộ Công an Trung Quốc tố cáo một nhóm ly khai thực hiện hàng trăm vụ buôn lậu người.

Hàng trăm người đã thiệt mạng ở Trung Quốc trong 2 năm qua do bạo lực giữa người Hán chiếm đa số và người Duy Ngô Nhĩ - một nhóm cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở vùng Tân Cương của nước này.

Giới chức Trung Quốc cho hay họ lo ngại người Duy Ngô Nhĩ ra nước ngoài để liên kết với các  chiến binh Hồi giáo.

Hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc đưa tin: Một “xung đột” đã nổ ra khi người Duy Ngô Nhĩ kháng cự lại nhân viên công vụ gần một trạm thu phí đường cao tốc tối 17/1 tại thành phố Bằng Tường thuộc tỉnh Quảng Tây.

Hãng tin dẫn lời giới chức địa phương cho biết: “Cảnh sát cuối cùng đã bắn chết 2 kẻ này, và một kẻ chạy trốn về phía một khu dân cư”.

Hãng tin không cung cấp thêm thông tin nhưng cho hay, cảnh sát vũ trang đã mở một cuộc lục soát khắp thành phố nhằm tìm người đàn ông đang lẩn trốn.

Trong khi đó theo Tân Hoa xã, cảnh sát đã bắt giữ được 2 “kẻ” đào tẩu và truy tìm người thứ 5 đang lẩn trốn.

Hôm 18/1, Bộ Công an Trung Quốc cho biết kể từ hồi tháng 5, một lực lượng chuyên trách về buôn người ở vùng biên giới tây nam nước này đã khám phá ra 262 vụ.

Tuyên bố trên website của bộ này cho rằng việc buôn người nói trên “chủ yếu được tổ chức từ bên ngoài và do Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan kiểm soát nhằm truyền bá chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, rồi mê hoặc và kích động người dân di tản ra nước ngoài tham gia thánh chiến”.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, có tới 300 thành viên của Phong trào Hồi giáo nói trên đang sang Syria thông qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng phong trào này muốn tạo một nhà nước riêng có tên Đông Turkestan nhưng các chuyên gia nước ngoài thì cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực sắc tộc ở đây là do việc người Duy Ngô Nhĩ bị gạt sang bên lề về mặt kinh tế và văn hóa./.

>> Xem thêm: Bạo lực tại Trung Quốc không chỉ đơn thuần là khủng bố