Từ cách đây 7-8 năm, phương Tây đã bày tỏ quan ngại lớn về việc Trung Quốc tăng cường xâm nhập vào châu Phi trên nhiều phương diện. Theo thời gian, mối quan ngại này dường như ngày một lớn hơn. Giới học thuật hay dùng các khái niệm như “tân thực dân”, “tân đế quốc” để ám chỉ quốc gia Đông Á này. Giới truyền thông thì thi nhau vẽ lên những bức tranh thật đáng sợ về Trung Quốc. Theo đó, người Trung Quốc tại châu Phi được minh họa như những đối tượng hết sức thực dụng, chỉ biết đến dầu và khoáng sản, không đoái hoái gì đến ô nhiễm môi trường và đời sống công nhân bản địa. Truyền thông phương Tây còn hăng hái phỏng vấn người dân địa phương về nỗi niềm của họ khi bao việc làm rơi vào tay công nhân Trung Quốc và nhiều ngành nghề không trụ vững trước năng lực cạnh tranh ‘kinh khủng’ của doanh nghiệp nước này.

Thực tiễn tại châu Phi

Công bằng mà nói, những mối lo ngại của phương Tây ít nhiều đều phản ánh sự thật. Ban lãnh đạo châu Phi về cơ bản thường ca tụng mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng trong vài năm trở lại đây một số người trong số họ đã bắt đầu bày tỏ những lo lắng suy tư. 

phuong%20tay%20so%20trung%20quoc%20o%20chau%20phi%201.jpg
Dòng người Trung Quốc đổ sang châu Phi trong các năm qua (ảnh: Miles Cole)

Chẳng hạn, Tổng thống Zimbabwe là Mugabe vốn rất thân Trung Quốc (từng gọi Trung Quốc là người bạn số 1) nhưng theo 1 bài báo ngày 9/12/2012 trên tờ The Standard của Zimbabwe, ông này đã yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc phải tôn trọng các luật lệ nước sở tại, trong đó các công ty thuộc sở hữu nước ngoài phải dành 51% cổ phần cho người địa phương. Tờ báo trích dẫn lời ông Mugabe: “Thậm chí cả những người bạn Trung Quốc của chúng ta, các anh cũng phải chấp nhận các quy tắc của chúng tôi nếu muốn làm việc với chúng tôi… Chúng ta phải làm việc trên cơ sở có đi có lại.”

Hay như Jacob Zuma, Tổng thống Nam Phi – quốc gia giàu nhất châu lục, cũng đã cảnh báo tại Diễn đàn Hợp tác Trung-Phi lần thứ 5 tổ chức tại Bắc Kinh năm 2012: “Mẫu hình thương mại [giữa châu Phi và Trung Quốc] là không bền vững về dài hạn. Trải nghiệm kinh tế trong quá khứ của châu Phi với châu Âu chỉ ra rằng cần phải thận trọng khi bước vào mối quan hệ đối tác với các nền kinh tế khác.”

Bản thân phía Trung Quốc cũng thừa nhận có một số vấn đề nhất định trong quan hệ giữa hai bên. Chung Kiến Hoa, Đặc phái viên của Trung Quốc tại châu Phi, khi trả lời phỏng vấn của Reuters vào tháng 3/2013 đã ghi nhận, đúng là có những lời chỉ trích về việc các nhà đầu tư Trung Quốc đưa quá nhiều công nhân nước này sang châu Phi. Vẫn trong cuộc phỏng vấn đó, ông Chung cho rằng phía Trung Quốc cần phải đào tạo và tuyển dụng thêm nhiều công nhân bản địa hơn nữa.

Không phải ngẫu nhiên ngay từ năm 2006 Trung Quốc đã phải ban hành “9 nguyên tắc khuyến khích và tiêu chuẩn hóa các đầu tư của các doanh nghiệp [Trung Quốc] ở nước ngoài”, yêu cầu các doanh nghiệp nước này tuân thủ luật pháp nước sở tại, đấu thầu 1 cách minh bạch và công bằng, bảo vệ quyền lợi của lao động địa phương, bảo vệ môi trường, và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên nhìn đi thì cũng phải nhìn lại. Dẫu có những vấn đề nhất định song châu Phi vẫn rất cần vốn và kỹ thuật, mà Trung Quốc thì lại là nước sẵn sàng nhất trong việc đáp ứng nhu cầu này. Vả lại những than phiền về sự “đối xử tệ bạc” của giới chủ Trung Quốc đối với công nhân bản địa tuy là có, nhưng tỷ lệ phần trăm vụ việc là bao nhiêu? Trong số các công ty sang châu Phi còn có cả các công ty tư nhân mà chính phủ Trung Quốc rất khó kiểm soát. Đấy là chưa kể đến các khác biệt văn hóa dễ dẫn tới xung khắc giữa đôi bên.

Giải mã nỗi sợ Trung Quốc

Khu vực châu Phi hiện nay không chỉ có các công ty của Trung Quốc còn có cả các tập đoàn của phương Tây – các tập đoàn này dĩ nhiên chạy theo lợi nhuận, và không ít trong số đó cũng tham lam “vơ vét tài nguyên và không đếm xỉa đến môi trường”. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc thường có xu hướng bị phương Tây chỉ trích nhiều hơn. Có 5 nguyên nhân khiến phương Tây và châu Phi “e sợ” Trung Quốc.

Bức ảnh này chụp 1 viên cảnh sát Trung Quốc đi bên cạnh 1 tấm áp phích thể hiện quan hệ thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và châu Phi (ảnh: Getty Images)

1. Thế đối đầu Đông-Tây

Tình hình này có từ thời Chiến tranh Lạnh, với sự đối đầu và cạnh tranh quyết liệt giữa 2 phe do Mỹ và Liên Xô đứng đầu. Đến nay, Chiến tranh Lạnh không còn nữa, nhưng cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục giữa các cường quốc. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, xem Trung Quốc (vốn đã là 1 nước lớn và nay đang trỗi dậy mạnh mẽ) như một mối đe dọa chiến lược đối với họ. Phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng luôn tìm cách kiềm chế Trung Quốc trên mọi phương diện. Trong con mắt của họ, mọi bước đi của Trung Quốc ở châu Phi đều phải dè chừng.

2. Trung Quốc quá hiệu quả

Trong lúc phương Tây lơi lỏng châu Phi còn Mỹ thì chuẩn bị tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đã mau lẹ vạch ra chiến lược mới, tận dụng tâm lý dè chừng phương Tây của châu Phi để xâm nhập hiệu quả vào khu vực này, vượt qua cả Pháp, Mỹ và Anh về mức độ gây ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc đến châu Phi vì cả dầu khí, nguyên liệu thô và các mục tiêu địa chính trị.

Không những vậy, lao động Trung Quốc lại tỏ ra xông xáo lạ thường ở địa bàn châu Phi, có sức làm việc và kỹ năng làm việc tốt mà chính người dân địa phương cũng phải thừa nhận. Các doanh nghiệp và những người kinh doanh nhỏ Trung Quốc đã chứng tỏ rõ sự tháo vát và khả năng chinh phục thị trường châu Phi.

3.Yếu tố lịch sử

Trong quá khứ, từng có nhiều đế chế rộng lớn trên Trái đất này, như đế chế La Mã, đế chế Arab, đế chế Mông Cổ và đế chế Anh, nhưng rốt cuộc các đế chế này đều tan rã thành các quốc gia nhỏ. Trong khi đó, đất nước Trung Hoa thì lại mở rộng không ngừng về lãnh thổ (từ khu vực sông Hoàng Hà, người Hán thực hiện nam tiến và tây tiến) và về cơ bản duy trì được sự thống nhất lãnh thổ cho đến tận ngày nay.

Trung Quốc hiện tại hội tụ trong mình nhiều nền văn hóa cũng như địa lý của các quốc gia cổ xưa. Quốc gia này hiện đứng thứ 3 thế giới về diện tích và đứng đầu thế giới về dân số (dân số của riêng Trung Quốc đã gấp đôi dân số toàn Đông Nam Á, cũng như dân số toàn châu Âu). Vì những lẽ này, đã có những nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Trung Quốc phải đem so sánh với cả một châu lục chứ không phải 1 nước riêng lẻ.

Đã vậy, sức lan tỏa và khả năng đồng hóa của văn hóa Hán lại rất mạnh. Người Mông Cổ khi xâm chiếm Trung Quốc và lập nên nước Nguyên Mông cũng đã bị đồng hóa bởi chính nền văn hóa bản địa.

4. Câu chuyện Hoa kiều

Trung Quốc hiện có tới 50 triệu người Hoa sống ở hải ngoại. Các Hoa kiều này có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới, và tập trung nhiều ở khu vực Đông Nam Á, nhất là các nước như Malaysia, Philippines, Indonesia, và Thái Lan.

Người Hoa vốn giỏi kinh doanh từ xa xưa và điều này không phải là ngoại lệ ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù chỉ là nhóm dân tộc thiểu số ở các nước Đông Nam Á nói trên nhưng họ lại sở hữu rất nhiều của cải, khiến tâm lý bài Hoa hình thành tại một số nước. Trong quá khứ, tình hình căng thẳng đến mức từng xảy ra các cuộc bạo loạn chống lại người Hoa tại Malaysia và Indonesia.

Một đặc điểm của Hoa kiều là tuy hòa nhập với nước sở tại nhưng họ không “hòa tan” mà vẫn giữ lại các đặc điểm văn hóa dân tộc rất mạnh của họ, tạo thành các cộng đồng người Hoa. Trong các công nhân Trung Quốc ồ ạt sang châu Phi cũng có xu hướng ở lại lâu dài và đưa cả gia đình sang, hình thành nên các Chinatown hoặc làng người Hoa. Thực tế này dễ khiến các học giả phương Tây “nhạy cảm” trở nên đặc biệt cảnh giác.

5. Động thái quyết liệt trên Biển Đông và Biển Hoa Đông

Trung Quốc vốn rất cứng rắn và gần như không chịu nhượng bộ trong các tranh chấp tại hai khu vực biển này. Trung Quốc không ngại thách thức cường quốc Nhật Bảnvà cả đồng minh của họ. Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp mà nhiều nước trong khu vực coi là gây hấn. Biển Đông và Biển Hoa Đông tuy cách xa châu Phi nhưng lối hành xử của Trung Quốc đang tạo thêm lý do để phương Tây cũng như một bộ phận người châu Phi phải đề phòng Trung Quốc ở Lục địa Đen./.

Xem thêm:

>> Thế trận khôn khéo của Trung Quốc tại châu Phi

>> Trung Quốc bành trướng thế lực ở châu Mỹ Latin