Trong cuộc họp báo ngày 14/12, ông Mao Thịnh Dũng, người phát ngôn Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận, một số chỉ tiêu kinh tế chính của nước này như kim ngạch xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, bán lẻ tiêu dùng đã giảm tốc trong tháng 11 và đang gây sức ép lên nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê được ông Mao Thịnh Dũng đưa ra, trong tháng 11/2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc chỉ đạt 9,1%, trong khi con số này trong tháng 10 là 22,9%. Bán lẻ tiêu dùng tăng 8,1%, thấp hơn 0,5% so với mức 8,6% của tháng trước.

my_trung_ixxp.jpg
Ông Mao Thịnh Dũng, người phát ngôn Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (Ảnh: SCIO 2).
"Nếu chỉ tính riêng tháng 11/2018, có một số chỉ tiêu giảm tốc, điều này cho thấy áp lực kinh tế đi xuống là khá lớn, đặc biệt là môi trường bên ngoài ngày thêm phức tạp, những yếu tố bất định đang gia tăng, do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa việc cải cách cơ cấu phía cung, thực hiện tốt hơn các chính sách đề ra" -  ông Mao Thịnh Dũng cho biết.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhấn mạnh, 11 tháng qua, các chỉ tiêu chính của nền kinh tế Trung Quốc như tăng trưởng, việc làm, giá cả và hiệu quả kinh tế vẫn duy trì khá tốt, thậm chí vượt dự kiến. 3 chỉ số thể hiện mức độ ảnh hưởng của va chạm thương mại Trung Mỹ là sự vận hành của nền kinh tế, giá cả và việc làm vẫn ở mức hợp lý và ổn định. Trong đó, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp là xuất nhập khẩu vẫn chưa có những biểu hiện rõ rệt.

Theo ông Dũng, thương mại của Trung Quốc đang ngày càng đa nguyên hóa, ngoài Mỹ, thì EU, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế đang nổi lên (BRICS), các nước dọc "Hành lang Vành đai" cũng là những đối tác của nước này. Do vậy, 11 tháng qua, nền kinh tế Trung Quốc vẫn vận hành ổn định, ảnh hưởng của va chạm thương mại Trung Mỹ lên kinh tế Trung Quốc là chưa rõ rệt./.