Ngày 1/11 vừa qua, Tổng thống Trump đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong 6 tháng qua.
Lịch sử thất hứa của ông Trump là một trong những lý do chưa thể lạc quan về thỏa thuận thương mại sắp tới. (Ảnh: Bloomberg) |
Nguồn tin từ 4 người thạo tin cho biết, sau cuộc trao đổi, ông Trump đã chỉ đạo soạn thảo các điều khoản của một thỏa thuận thương mại mà ông có thể nhất trí với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Argentina vào cuối tháng này.
Đăng tải dòng tweet sau khi cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc, ông Trump viết: "Việc trao đổi đang tiến triển tốt đẹp."
Động thái này của ông Trump diễn ra chỉ 5 ngày trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ - cuộc bầu cử quyết định liệu đảng Cộng hòa của ông có giữ quyền kiểm soát Quốc hội hay không.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều lý do khiến chưa thể lạc quan về thỏa thuận trên.
Thực tế, đã xuất hiện mối bất đồng ngay trong nhóm công tác thương mại của ông Trump. Hai trong số 4 người thạo tin cho biết, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã phản đối việc thúc đẩy một thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Còn ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng cũng không đánh giá cao khả năng đạt được một thỏa thuận nhanh chóng cho vấn đề thương mại Mỹ - Trung.
Trả lời trên kênh truyền hình CNBC ngày 2/11, ông Kudlow cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành các hoạt động một cách bình thường mà chúng tôi đã cùng nhau chuẩn bị."
"Chưa có bước tiến gì to tát cả, chúng tôi chưa ở mức đỉnh điểm của thỏa thuận," cố vấn Kudlow nói.
Thêm một lý do nữa khiến chưa thể lạc quan là tính cách của ông Trump.
Ông Trump thường có "phong cách" nhất trí về mặt nguyên tắc trước khi bác bỏ các thỏa thuận.
Những người chỉ trích Tổng thống Trump cho rằng hầu như không có sự cải thiện lớn trong các thỏa thuận thương mại mà ông Trump đạt được, gồm cả việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Hơn nữa, ông Trump đã từng nhượng bộ trước các đối thủ của Mỹ, điều này bị các thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa phản ứng rất mạnh.
Tháng 5 vừa qua, sau cú điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã đồng ý nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với ZTE Corp. - một tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc, với lý lẽ cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ cướp đi quá nhiều công ăn việc làm ở Trung Quốc. Quyết định này của ông Trump cũng bị chỉ trích tại Quốc hội Mỹ.
Lịch sửthất hứa của ông Trump
Những người chỉ trích Tổng thống Trump cho rằng, ông Trump đã quá ưu ái với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi đưa ra rất ít điều kiện trao đổi trong quá trình đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, ông Trump cũng bị chỉ trích vì đã “nhượng bộ” trước Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh tổ chức tại thủ đô Helsinki (Phần Lan).
Ngoài ra, ông Trump cũng từng rút lại sự ủng hộ của chính quyền Mỹ đối với tuyên bố chung sau Hội nghị G7 diễn ra tại Canada, sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau chỉ trích thuế quan mà Mỹ áp lên nhôm và thép nhập khẩu.
Trung Quốc nhiều lần đặt câu hỏi về sự chân thành của Mỹ trong đàm phán thương mại và thận trọng khi nhất trí với điều gì đó khiến ông Trump thay đổi ý định.
Trong khi Trung Quốc “rộng cửa” cho một thỏa thuận thu hẹp thâm hụt thương mại theo yêu cầu của Mỹ, thì các quan chức nước này lại phản đối các yêu sách khác của ông Trump, gồm yêu cầu Trung Quốc ngừng trợ cấp cho các ngành công nghiệp chiến lược, ngừng hỗ trợ cải thiện sức cạnh tranh của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc và ngừng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.
Hiện còn rất nhiều điều chưa rõ liệu ông Trump sẽ hành xử với Trung Quốc ra sao. Đơn cử, vẫn chưa rõ ông Trump sẽ xem xét nới lỏng chính sách cứng rắn của Mỹ đối với việc đánh cắp sở hữu trí tuệ mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc. Một trong 4 người thạo tin cho rằng, đây vẫn là điểm mấu chốt trong thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 1/11 vừa qua, một công ty quốc doanh của Trung Quốc đã bị buộc tội đánh cắp công nghệ của công ty Micron Technology - một nhà sản xuất chip của Mỹ. Đây là một phần trong động thái thẳng tay của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Trung Quốc nhằm chống lại các hoạt động gián điệp kinh tế.
Phản ứng thị trường
Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh sau thông tin tích cực về cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giá đồng nhân dân tệ giao dịch offshore (hải ngoại) đã tăng 0,5% - mức tăng cao nhất trong hai ngày kể từ tháng 8/2018.
Chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) vọt lên 4,2% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, còn chỉ số Shanghai Composite tăng 2,7%, đánh dấu chuỗi ngày tăng điểm dài nhất kể từ tháng 2/2018.
Đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc hầu như không có tiến triển kể từ tháng 5/2018, khi ông Trump chấm dứt một thỏa thuận nhằm hạn chế Trung Quốc mua thêm năng lượng và nông sản từ Mỹ. Động thái này của ông Trump là nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Đến nay, ông Trump đã áp thuế quan lên 250 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ áp thuế lên mọi mặt hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới./.Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc “ngấm đòn” chiến tranh thương mại
Chiến tranh thương mại tác động xấu tới hội nhập của Mỹ và Trung Quốc
Jack Ma: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài 20 năm
Chứng khoán châu Á tăng mạnh bất chấp chiến tranh thương mại leo thang