Tổ chức các bác sĩ Không biên giới (MSF) ngày 27/10 cho biết, ít nhất 2 nhân viên y tế bị thương và phần lớn cơ sở hạ tầng bệnh viện bị hư hại.

ye_aasy.jpg
Cảnh hoang tàn ở thủ đô Saana, Yemen sau các đợt không kích. (ảnh: BBC)

Giám đốc tổ chức này, ông Hassan Boucenia đã lên án vụ đánh bom, khi cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt những sai lầm mà ông gọi là tội ác chiến tranh này và bày tỏ lo ngại sâu sắc về cuộc tình hình nhân đạo tại Yemen.

“Các cuộc không kích đã trúng vào một bệnh viện và làm hư hại 99% cơ sở hạ tầng của bệnh viện. Vụ việc xảy ra vào đêm qua. Rất may chúng tôi không có bệnh nhân nào mà chỉ có những nhân viên bệnh viện ở lại vì cho rằng bệnh viện có lẽ là nơi an toàn hơn cả. Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là tình hình ở huyện Hedan nơi có khoảng 200.000 người đang sinh sống và bệnh viện mà Tổ chức chúng tôi đang hỗ trợ lại bị phá hủy. Làm thế nào để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế trong hoàn cảnh hiện nay”, ông Hassan Boucenia nói.

Tổ chức các Bác sĩ Không biên giới cho biết, trong vòng 6 tháng qua đã có ít nhất 20 bệnh viện ở Yemen bị phá hủy trong các vụ xung đột và không kích do Liên quân Arab tiến hành.

Ngày 3/10 trước đó, một bệnh viện, nơi các bác sĩ của tổ chức này hoạt động ở tỉnh Kunduz, miền Bắc Afghanistan đã trúng bom của lực lượng không quân Mỹ, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng trong đó có 12 bác sĩ của MSF.

Tổng thống Mỹ Obama ngay sau đó đã lên tiếng xin lỗi về sự cố đáng tiếc đó và cam kết tiến hành cuộc điều tra minh bạch, song Tổ chức các bác sĩ này yêu cầu thành lập một Ủy ban độc lập để làm rõ vụ việc.

Hiện Tổ chức các Bác sĩ Không biên giới đang cân nhắc có nên tiếp tục điều động nhân viên của mình đến các vùng chiến sự điểm nóng khác ở Trung Đông hay Nam Á. Bởi họ lo sợ rằng trong chiến tranh, xung đột, ngay cả luật nhân đạo quốc tế cũng không được tôn trọng./.