Fareed mới chỉ là một đứa trẻ. Nhưng hơn 6 tháng chiến tranh ở quê hương Yemen của cậu đã dạy cho cậu bé những thực tế nghiệt ngã của chiến tranh. Nhiều người chết rồi được đưa đi chôn cất.

xindungchonhauyemen_iwha.jpg
Cậu bé Fareed tội nghiệp được các bác sĩ chăm sóc y tế. Ảnh: Basha/CNN.

“Xin các bác đừng chôn cháu”, cậu bé Fareed lại kêu lên thảng thốt trong nước mắt.

Một nhân viên y tế cười cười và vỗ nhẹ vào đôi chân bé nhỏ của cậu bé để động viên cậu.

Đoạn trao đổi này đã được một nhiếp ảnh gia địa phương tên là Ahmed Basha quay phim vào tháng trước rồi thuật lại với CNN.

Basha nói từ nhà mình ở Taiz, thành phố lớn nhất Yemen: “Tôi nghĩ cậu bé chỉ bị thương. Tôi không chắc là mình ghi được cảnh đó, mà chủ yếu quan tâm đến bức ảnh tĩnh”.

Vài ngày sau, Fareed qua đời vì các vết thương ở đầu. Cậu bé được chôn cất, một cách mau chóng trong khu mộ của gia đình.

Khi hay tin cậu bé đã chết, Basha liền kiểm tra đoạn ghi hình của mình. Anh công bố đoạn video về cậu bé cầu xin được sống và bắt đầu kể cho cả thế giới về câu chuyện này.

Truyền thông xã hội nhanh chóng chú ý đến video đó trong bối cảnh người ta lãng quên nhiều điều về cuộc chiến ở Yemen.

Video cậu bé Yemen xin các bác sĩ "đừng chôn cháu"

Câu chuyện của Fareed đã trở thành biểu tượng của các nỗ lực đấu tranh tại Yemen. Các nhà hoạt động đang sử dụng đoạn từ khóa #Dontburyme (#Xindungchonchau) để kêu gọi chấm dứt cảnh chém giết lẫn nhau ở quốc gia này.

Trẻ em và ngành giáo dục là các nạn nhân đầu tiên của cuộc xung đột Yemen. Không có nơi nào an toàn, kể cả cho trẻ em.

Trong số các công dân Yemen thiệt mạng hoặc bị thương vì bom mìn hoặc rocket, có tới 95% là thường dân, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc. Trong số người tử vong có tới 500 trẻ em, theo UNICEF.

Cậu bé Fareed đang chơi bên ngoài nhà thì trúng phải một quả rocket. Bốn đứa trẻ khác cũng bị thương.

Gia đình cậu bé rất biết ơn khi câu chuyện của Fareed được truyền thông đưa đến cho công chúng thế giới. Họ hy vọng điều này sẽ thay đổi cuộc sống của người dân Yemen phải hứng chịu đau khổ vì chiến tranh bấy lâu nay./.