Cuối tuần qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tấn công trên không và trên bộ nhằm vào các tay súng người Kurd ở miền Bắc Syria, mà nước này coi là một tổ chức khủng bố.

xe_tang_tho_nhi_ky_hneh.jpg
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik.

Chiến dịch quân sự mang tên “Nhành Ô-liu” của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đã bước sang ngày thứ 2, được đánh dấu bằng việc Quân đội nước này điều động bộ binh tiến vào tỉnh Afrin sau các đợt pháo kích và không kích nhằm vào lực lượng Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại tỉnh này. Trước đó một ngày, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã bắn trúng 153 mục tiêu, trong đó có các khu vực trú ẩn của các tay súng người Kurd. Tuy nhiên, nhóm nổi dậy mang tên Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không kích các khu vực có dân thường sinh sống và 1 trại dành cho người khuyết tật ở Afrin.

Thổ Nhĩ Kỳ coi Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nhóm nổi dậy này lại được Mỹ hậu thuẫn tại Syria và được cho là có vai trò trong việc giúp đánh bật tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ra khỏi các cứ địa tại Syria.

Có thể nói, điểm khởi đầu cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là từ ngày 14/1 khi liên quân chống khủng bố do Mỹ đứng đầu thông báo ý định thành lập một lực lượng biên phòng ở phía Bắc Syria, gồm khoảng 30.000 quân, trong đó gần một nửa là từ Lực lượng dân chủ đối lập tại Syria, một liên minh gồm chủ yếu các tay súng người Kurd và Arab.

Thông báo này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận. Bất chấp việc chính phủ Mỹ đã lên tiếng đính chính khẳng định đây chỉ là một sự hiểu nhầm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hồi giữa tuần qua cam kết sẽ chấm dứt “các hang ổ khủng bố” ở miền Bắc Syria.

Ông Erdogan nói: “Chúng ta có 3 triệu rưỡi người anh em Syria ở trên đất nước của chúng ta và mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là giúp đưa những người này trở về với quê hương của họ. Chúng tôi sẽ chấm dứt đảng Công nhân người Kurd, chấm dứt đảng Liên minh Dân chủ và Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd cho tới khi chúng không còn tồn tại ở đất nước chúng ta. Đây là một cuộc đấu tranh dân tộc và vì thế chúng tôi sẽ vượt qua mọi rào cản để đi tới chiến thắng cuối cùng.”

Theo Hãng thông tấn chính thức Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, các tay súng Syria được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đào tạo đã xâm nhập được vào khu vực này khoảng 5km. Thủ tướng Binali Yildirim cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách tạo ra một khu vực an ninh rộng khoảng 30km trong lãnh thổ Syria.

Trước đó, trong một bài viết đăng tải trên trang mạng cá nhân Twitter, ông này có bài viết, trong đó nêu 12 lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải phát động chiến dịch. Một trong số đó là nhằm ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ “mất liên lạc về mặt địa lý với thế giới Arab”.

Trên đường biên giới dài khoảng 911km với Syria, khoảng 600km là do các tay súng người Kurd thuộc Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd nắm giữ.  

Năm 2012, sau khi các lực lượng chính phủ rút khỏi khu vực, Afrine đã trở thành khu vực đầu tiên của người Kurd nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Syria và rơi vào tay nhóm nổi dậy Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd. Nơi đây cũng trở thành “một phòng thí nghiệm thực sự” cho chính quyền tự trị người Kurd. Người dân bắt đầu nói ngôn ngữ của người Kurd và xây dựng trường học, các trung tâm văn hóa và thành lập các lực lượng an ninh.

Ngay từ năm 2014, nhánh vũ trang của Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd đã trở thành một trong những lực lượng chính chống IS, với sự hỗ trợ của liên quân quốc tế và là nòng cốt trong các chiến dịch giành lại Kobane hồi tháng 1/2015, sau đó là Raqqa tháng 11/2017. Sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ đối với Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd, đặc biệt là về vũ khí đã gây ra sự lo ngại sâu sắc tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay cả cộng đồng quốc tế hiện cũng khá chia rẽ về vấn đề này. Theo đề xuất của Pháp, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 22/1 sẽ tiến hành họp kín về tình hình leo thang quân sự tại Syria, không chỉ ở Afrin, mà cả Idlib (Đông Bắc) và Đông Ghouta gần thủ đô Damascus. Trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian  hôm 21/1 bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay tại Syria, thì Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nước này Florence Parly cùng ngày nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ cần ngừng giao tranh với các tay súng người Kurd ở Syria.

Chính phủ Mỹ cũng cảnh báo, một chiến dịch như Chiến dịch Nhành Ô-liu sẽ dẫn tới bất ổn tại khu vực. Trong khi đó Nga, nước duy nhất hiện nay được xem là có thể ngăn chặn được cuộc leo thang quân sự này do kiểm soát không phận cũng bày tỏ lo ngại và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế. Iran, nước đồng bảo trợ tiến trình hòa bình Astana cùng với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày kêu gọi Thổ Nhĩ không tạo ra căng thẳng./.