Căng thẳng tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiếp tục leo thang khi pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu khai hỏa tấn công vào khu vực Afrin của Syria, mở màn chiến dịch quân sự nhằm vào các khu vực do người Kurd kiểm soát.
Dư luận lo ngại, động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khơi mào cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn trong khu vực, với sự can dự của nhiều quốc gia liên quan, đồng thời đẩy cuộc nội chiến tại Syria sang một giai đoạn mới nguy hiểm hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ điều quân tấn công người Kurd tại Afrin (Syria). Ảnh: RT. |
Giao tranh khốc liệt giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 20/1 cho biết, quân đội nước này đã tấn công các mục tiêu của lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn tại tỉnh Afrin của Syria thông qua hoạt động quân sự cả trên mặt đất lẫn trên không. Cuộc tấn công có sự yểm trợ của Quân đội tự do Syria (FSA) nhắm trúng các trại và nơi trú ẩn "tự phòng vệ hợp pháp" của Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 108 mục tiêu của người Kurd bị phá hủy.
Song song với tiến hành tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều động thêm nhiều vũ khí và xe thiết giáp củng cố an ninh tại vùng biên giới giữa nước này với Syria. Không kích mới chỉ là giai đoạn 1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết thêm, lực lượng bộ binh của nước này sẽ tiến hành “các hoạt động cần thiết” nhắm vào khu vực Afrin căn cứ theo tình hình thực địa.
Cuộc tập kích dữ dội đã buộc Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đáp trả bằng hàng loạt pháo phản lực Grad. Người phát ngôn của YPG khẳng định, các vụ pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 9 người thiệt mạng trong đó có 6 dân thường cùng với 3 tay súng YPG và làm bị thương 13 người. YPG tuyên bố không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả: “Chúng tôi sẽ đánh bại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ các thành phố và những ngôi làng. Chúng tôi kêu gọi người dân ở miền bắc Syria hãy chung tay bảo vệ Afrin”. Theo phương tiện truyền thông ủng hộ lực lượng YPG, hiện giao tranh đang diễn ra rất ác liệt tại khu vực Afrin.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết tấn công người Kurd tại Afrin?
Theo giới phân tích, có một số nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỹ quyết khai hỏa tấn công YPG tại Afrin. Trước hết đây được coi là động thái “dằn mặt Mỹ” trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Thổ đang có nguy cơ đổ vỡ, phần lớn liên quan đến vấn đề người Kurd.
Cần phải nhắc lại rằng, việc liên quân do Mỹ dẫn đầu phối hợp với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) thành lập Lực lượng bảo vệ biên giới (BSF) gồm hơn 30 nghìn binh sỹ tại miền bắc Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngồi không yên. Điểm mấu chốt là phần lớn các thành viên trong lực lượng mới do Mỹ đào tạo đến từ YPG – nhóm lớn nhất thuộc Lực lượng dân chủ Syria (SDF). Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay luôn coi YPG là tổ chức khủng bố, trong khi Mỹ lại coi là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Kế hoạch mới sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ và YPG ngày càng bền chặt hơn và cũng nhờ sự hỗ trợ về chiến thuật và khí tài quân sự của Mỹ, YPG sẽ càng trở nên lớn mạnh hơn. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ đang thực hiện các bước đi đáng lo ngại để hợp pháp hóa YPG và giúp họ tồn tại lâu dài tại khu vực - điều mà nước này hoàn toàn không chấp nhận được.
Sau tất cả, không khó để hiểu rằng mục đích thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ chính là muốn làm suy yếu lực lượng YPG và gia tăng ảnh hưởng của nước này tại miền bắc Syria. Điều đó cũng thể hiện nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ thành hiện thực đó là việc người Kurd ở Syria thành lập một khu vực tự trị ở miền biên giới giữa hai nước.
Afrin nằm ở phía bắc tỉnh Aleppo, hiện do YPG kiểm soát. Nơi đây tách biệt với thành phố Manbij và nhiều khu vực khác thuộc sự điều hành của SDF. Nếu kiểm soát được cả Afrin và Manbij, lực lượng Quân đội tự do Syria (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sẽ kiểm soát được khu vực rộng lớn 200km ở biên giới phía bắc Syria, từ đó ngăn chặn người Kurd thiết lập hành lang dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Một cuộc tấn công nhắm tới Afrin là hoạt động nhằm mở rộng chiến dịch Lá chắn Euphrates – trước đó đã được Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện để đẩy lùi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và lực lượng người Kurd ở Syria. Nhờ có chiến dịch Lá chắn Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể giành được ảnh hưởng tại Syria. Hiện tại, thời điểm diễn ra cuộc chiến nhắm vào Afrin có thể được nhìn nhận theo cách tương tự.
Liên quan đến hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc Syria, nhà phân tích chính trị Oussama El-Mohtar nhận định, những toan tính của Ankara vượt xa việc đảm bảo an ninh biên giới cho đất nước. Ông cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng về nguồn lực và thị trường sau khi sau khi thất vọng về phản ứng của Liên minh Châu Âu và Mỹ về những hoài bão kinh tế, chính trị của nước này.
"Khu vực khả thi để Ankara thực hiện toan tính này chỉ có thể là Vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu (bao gồm Iraq, Syria, Lebanon, Jordan, Israel, Palestine). Thổ Nhĩ Kỳ nuôi tham vọng muốn tiếp cận các vùng lãnh thổ trù phú, phì nhiêu ở Syria và Iraq, gia tăng ảnh hưởng tại Lebanon và Palestine. Tuy nhiên kế hoạch này khá rủi ro, bởi nó sẽ ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng trong khu vực và quốc tế", ông El-Mohtar nói.
Những hệ lụy khó lường
Căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria có nguy cơ bùng phát thành cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn, trong đó không chỉ hai bên, mà một số nước khác trong khu vực có thể bị lôi kéo. Ngoài ra, hành động hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến mối quan hệ của nước này với các đồng minh của mình ở NATO, đặc biệt là Mỹ trở nên căng thẳng hơn.
Hội đồng Dân chủ Syria ra tuyên bố nêu rõ: “Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Afrin cũng là tấn công mọi người dân Syria, nhằm phá hoại các dự án mang lại hòa bình cho Syria. Ankara đã hỗ trợ các nhóm vũ trang, giúp chúng tràn vào Syria, làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại Syria”. Cơ quan này khẳng định sẽ thành lập lực lượng an ninh biên giới chống lại bất cứ sự can thiệt nào. Trước đó, Bộ Ngoại giao Syria cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về hoạt động quân sự tại khu vực Afrin, nhấn mạnh, Damascus sẽ xem đó là một hành động xâm lược, phá hoại chủ quyền và có biện pháp đáp trả thích đáng.
Không chỉ khơi mào cho cuộc xung đột quy mô lớn, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin có thế gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng khi có tới 1 triệu người dân đang sinh sống tại nơi đây.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, những động thái như vậy của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng xấu tới hòa bình, ổn định của khu vực, không giúp ích gì cho việc bảo vệ an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào chiến đấu chống phiến quân IS và không tiến hành hành động quân sự tại Afrin. Về phía Nga, nước này cũng bày tỏ quan ngại về vụ tấn công và cho biết đang giám sát chặt chẽ tình hình ở Afrin, Syria./.
Nga chỉ trích Mỹ về việc khiến Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Afrin của Syria
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch quân sự ở Afrin của Syria