Tuy nhiên, nhiều nhân chứng cho biết các tay súng Hồi giáo dòng Sunni vẫn kiểm soát Tikrit.

Giao tranh ác liệt đã nổ ra hôm qua khi hàng nghìn binh sĩ thuộc lực lượng Chính phủ Iraq với sự yểm trợ của máy bay chiến đấu, xe tăng và các đơn vị phá bom tấn công vào Tikrit nhằm giành lại thành phố này sau gần 3 tuần nằm dưới sự kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL).

iraq_fdvt.jpgBinh sỹ quân đội Iraq (Ảnh Reuters)

Cùng ngày, cảnh sát Iraq cho biết đã có 25 thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng và 22 người bị thương trong vụ đụng độ giữa quân chính phủ và các tay súng phiến quân ở phía Nam thủ đô Baghdad.

Đụng độ ác liệt cũng xảy ra gần các thị trấn Jurf al-Sakhar, Mahmoudiyah, al-Rasheed giữa lực lượng an ninh và phiến quân Hồi giáo dòng Sunni, trong đó có những đối tượng có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông. Được biết, hàng chục phiến quân cũng đã thương vong trong các cuộc giao tranh này.

Trong bối cảnh xung đột leo thang ở Iraq, các tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia vùng Vịnh này khi có đến 1,2 triệu người bị mất nhà cửa từ đầu năm đến nay.

Ngày 28/6, nhiều người Công giáo ở gần thành phố miền Bắc Mosul đã phải tháo chạy khỏi những cuộc giao tranh giữa những tay súng người Kurd với nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông.

Một người Công giáo chạy nạn cho biết: “Chúng tôi trốn chạy khỏi những khu vực nã pháo, dội bom giữa các bên. Người ở nơi này đánh người ở nơi kia để kết quả là tất cả nhà của chúng tôi ở đây bị phá hủy. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải đưa gia đình đi lánh nạn”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, tình trạng bất ổn tại Iraq có thể kéo dài trong nhiều năm, không chỉ ảnh hưởng đến Trung Đông và Bắc Phi mà còn các khu vực lân cận.

Ông Lavrov nhấn mạnh vấn đề Iraq cần được giải quyết ở cấp độ cộng đồng quốc tế, với sự tham gia của tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả các nước láng giềng Iraq.

Trong chuyến thăm thủ đô Damascus của nước láng giềng Syria ngày 28/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng kêu gọi nỗ lực đoàn kết của Mỹ và châu Âu trong việc ổn định tình hình ở Trung Đông nói chung, cụ thể là giải quyết 2 cuộc khủng hoảng ở Syria và Iraq, vốn được cho là có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov nhấn mạnh:“Đây là một hiện tượng đáng báo động đòi hỏi có sự nỗ lực đoàn kết và lộ trình chính trị rành mạch cũng như cách tiếp cận tổng thể. Chúng tôi hiểu rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ phải tôn trọng những nguyên tắc cơ bản này khi đưa ra công thức chính trị cho những gì đang xảy ra ở cả Iraq và Syria”.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn đang tìm cách giải quyết bài toán làm sao vừa ổn định Iraq, vừa hỗ trợ cho phiến quân ở Syria, nhưng khó có thể tách biệt được nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông cũng đang tham chiến cùng phe nổi dậy tại nước láng giềng bất ổn.

Ông Kaveh Afrasiabi nhà nghiên cứu chính trị từ Boston, Mỹ, cho rằng tình hình ở Iraq có thể còn diễn biến phức tạp khi các nhân tố khu vực như cộng đồng người Cuốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đều có những toan tính riêng đối với tương lai của Iraq.

Nhà phân tích Afrasiabi nhận định: “Đây là một cuộc khủng hoảng có yếu tố nước ngoài mà về mặt nguyên tắc là kết quả của sự cạn thiệp vào Syria để hỗ trợ các nhóm khủng bố để giờ đây chúng xâm nhập vào Iraq. Tình hình hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của chính phủ Iraq. Họ đã ngăn chặn và phản công được các tay súng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông. Hy vọng chiều hướng này sẽ tiếp diễn và chúng ta sẽ sớm thấy cuộc khủng hoảng này chấm dứt”./.