Tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia ngày 25/5 diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm “Ngày châu Phi” và Hội nghị cấp cao lần thứ 21 Liên minh châu Phi (AU), với sự tham dự của lãnh đạo 53 nước thành viên và đông đảo đại diện các chính phủ, các tổ chức kinh tế, xã hội quốc tế.
Phát biểu khai mạc "Lễ kỷ niệm Vàng", Thủ tướng Ethiopia đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi Hailemariam Desalegn kêu gọi các nhà lãnh đạo châu lục cùng nhìn nhận lại những thành tựu đạt được trong nửa thế kỷ qua, cũng như những thách thức phải giải quyết nhằm hiện thực hóa ước mơ cháy bỏng về một châu Phi thống nhất, hòa bình và thịnh vượng. Ông Desalegn nói: “Đây là một ngày đặc biệt đối với châu lục cũng như đối với tất cả những người gốc Phi trên toàn thế giới. Đây cũng là ngày đặc biệt đối với những người bạn của châu Phi và đối với tất cả những người luôn sát cánh bên châu Phi dù ít hay nhiều. Thực tế cũng cho thấy, chúng ta cần sự đoàn kết không chỉ trong châu lục mà còn xa hơn nữa để có thể vượt qua mọi thách thức và rào cản trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của chúng ta”.
Ngày 25/5/1963, các nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi đã họp tại thủ đô Addis Ababa để thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU), tiền thân của Liên minh châu Phi ngày nay, với mục tiêu thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và tăng cường hợp tác khu vực nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân. Nửa thế kỷ qua, Liên minh châu Phi đã thể hiện được vai trò trong việc giải quyết những thách thức nhiều mặt đối với châu Phi và nâng cao vị thế của châu lục trên trường quốc tế. Với mức tăng trưởng kinh tế trung bình hơn 5%, châu Phi đã trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai trên thế giới, sau châu Á.Xung đột nội bộ và tranh giành của ngoại bang
Tuy nhiên, châu Phi lại đang là một trong những điểm nóng của các cuộc xung đột tranh giành nguồn tài nguyên, cũng như là tâm điểm trên “bản đồ lợi ích” của các cường quốc. Hiện nay, có tới gần 10 nước châu Phi vẫn chìm trong xung đột, bất ổn, trong khi châu Phi lại chưa tỏ ra đủ khả năng để có thể tự giải quyết các vấn đề an ninh của mình.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Pháp đã đề xuất tổ chức một hội nghị cấp cao vì hòa bình và an ninh châu Phi vào ngày 6 và 7/12 tới tại thủ đô Paris, coi đây là một phần của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.“Chủ nghĩa khủng bố, buôn bán người và cướp bóc không chỉ là vấn đề của châu Phi mà của toàn thế giới," ông Hollande nói. "Chúng tôi đề xuất tổ chức một Hội nghị cấp cao giữa Pháp và Liên minh châu Phi vì hòa bình và an ninh châu Phi để thảo luận những biện pháp mà Pháp, cụ thể là Liên minh châu Âu, có thể triển khai nhằm đào tạo, huấn luyện, trang bị và hỗ trợ các lực lượng quân đội châu Phi để giúp châu lục này có thể tự mình đối mặt với các thách thức về an ninh".
Đầu năm nay, Pháp đã triển khai khoảng 4.000 quân tới Mali trong một chiến dịch can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ quốc gia Tây Phi này chống khủng bố và các tay súng Hồi giáo cực đoan. Mới đây, Pháp cũng đã triển khai các lực lượng đặc biệt đến một căn cứ quân sự tại Niger, sau khi xảy ra hai vụ đánh bom nhằm vào một căn cứ quân sự và một nhà máy tinh chế urani thuộc sở hữu của Tập đoàn hạt nhân Areva của Pháp tại miền Bắc Niger.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, kinh tế và quân sự đang làm chao đảo nhiều nước ở khu vực Bắc Phi, các “lò lửa xung đột” âm ỉ ở một số nước miền Trung và miền Nam châu Phi và các chân rết của chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng, châu lục cần tìm ra con đường của riêng mình nhằm tạo môi trường hòa bình và ổn định để phát triển kinh tế.
Hơn bao giờ hết châu Phi phải đoàn kết để có thể tự đứng trên đôi chân của mình thì mới có thể trở thành một ngôi nhà châu Phi phát triển và thịnh vượng như khao khát của người dân trong suốt nửa thế kỷ qua./.