Mới đây tân Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm một số nước châu Phi ngay sau chuyến thăm Nga – điều này phản ánh vị trí của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Chuyến công du trên nhằm thắt chặt quan hệ vốn có giữa 2 bên, nâng nó lên một tầm mới, thực hiện ký kết một số thỏa thuận song phương, và trấn an các nước châu Phi rằng Trung Quốc đến Lục địa Đen không chỉ vì nguồn dầu khí và khoáng sản giàu có nơi đây, mà còn là vì sự phát triển bền vững toàn diện của khu vực trên cơ sở quan hệ đối tác bình đẳng.

Một số hãng truyền thông, quan chức và học giả phương Tây thường nhìn nhận vai trò của Trung Quốc ở châu Phi theo chiều hướng tiêu cực và phóng đại những mối nguy từ sự hiện diện của họ. Chuyến xuất ngoại của ông Tập cũng bị xem là chỉ để xoa dịu căng thẳng giữa người bản địa và các nhà đầu tư Trung Quốc. 

1%20chau%20phi%20rai%20tham%20do%20don%20tap%20can%20binh.jpg
Tanzania trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: AFP)

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, nhìn nhận như vậy là khá đơn giản và phiến diện. Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi vừa đa dạng (không giới hạn vào dầu mỏ) vừa mang tính tự nguyện; châu Phi về cơ bản hoan nghênh sự có mặt của người Trung Quốc, và cũng được hưởng lợi nhiều từ mối quan hệ với “gã khổng lồ” châu Á này.

Trung Quốc được gì từ châu Phi?

Quốc gia 1,3 tỷ dân đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ) và vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nên việc nước này “khát dầu khí và các nguyên liệu thô đầu vào” là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trung Quốc buộc phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp, trong đó châu Phi là một trọng điểm (châu Phi hiện cung cấp 1/3 lượng dầu Trung Quốc tiêu thụ).

Với 1 tỷ dân, lục địa châu Phi là một thị trường rộng lớn, mới mẻ cho nền kinh tế Trung Quốc chuyên hướng về xuất khẩu. Thực tế trong chục năm qua, hàng hóa Trung Quốc như đồ điện tử, linh kiện thay thế, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… với nhiều ưu điểm như rẻ và mẫu mã đẹp, đa dạng đã tràn ngập các thị trường châu Phi.

Đưa công nhân sang châu Phi làm việc, Trung Quốc đã phần nào giảm nhẹ tình trạng thất nghiệp trong nước, tăng thêm nguồn thu cho nước này. Hiện có khoảng gần 1 triệu người Trung Quốc sinh sống, làm việc ở châu Phi và gần 1.000 công ty Trung Quốc đang làm ăn ở châu lục này.

Trung Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn (hiện đã vượt Anh để đứng thứ 5 thế giới) và nhiều nước châu Phi đã và đang quay sang mua vũ khí của Trung Quốc (có giá rẻ) bên cạnh nhà cung cấp truyền thống là Nga.

Chủ động quan hệ tốt với hầu hết các nước châu Phi đã giúp Trung Quốc giành được sự ủng hộ của họ tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế, nâng cao vị thế Trung Quốc trong 1 thế giới đa cực hậu Chiến tranh Lạnh. Giao hảo với châu Phi còn rất có ích cho Trung Quốc trong việc cô lập Đài Loan về mặt ngoại giao và thực hành chính sách “một nước Trung Hoa”.

“Chơi” với châu Phi, Trung Quốc còn có thêm 1 cơ hội vô cùng lớn là quảng bá ngôn ngữ và văn hóa của mình đến châu lục lớn thứ 2 thế giới về diện tích.

Kế sách của Trung Quốc

Ngay từ những năm 1950, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có nhiều nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới nói chung và ở khu vực châu Phi nói riêng. Trong giai đoạn đầu, nổi bật nhất là các hỗ trợ cho phong trào giải phóng dân tộc nhằm đánh đuổi đế quốc phương Tây. Khi các nước châu Phi giành được độc lập, Trung Quốc cũng tích cực hỗ trợ các nước này về mặt văn hóa xã hội. Giai đoạn này Trung Quốc đã có tham vọng trở thành nhà lãnh đạo Thế giới thứ 3. 

Công nhân châu Phi làmtrong nhà máy của người Trung Quốc (ảnh: AFP)

Mặc dầu vậy, ảnh hưởng của Trung Quốc từ các năm 1960 đến các năm 1990 vẫn rất hạn chế. Phải đến đầu những năm 2000, sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi mới gia tăng đột biến. Và cho tới thời điểm hiện nay, có thể coi Trung Quốc đã thành công đáng kể trong việc xác lập thế đứng chính trị, ngoại giao và kinh tế ở Lục địa Đen.

Để gây ảnh hưởng ở châu Phi và thu lợi từ quan hệ với châu lục này, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp có tính hệ thống, bài bản, toàn diện và bền vững với tầm nhìn xa.

Về mặt chính sách, Trung Quốc vào năm 2006 đã công bố Chính sách châu Phi của mình – chính sách này rất chi tiết về quan hệ Trung Quốc-châu Phi trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục, xã hội, và an ninh (tất nhiên điểm nhấn trong đó vẫn là kinh tế)... Sau đó, cũng trong năm 2006, Trung Quốc còn ban hành thêm “9 nguyên tắc khuyến khích và tiêu chuẩn hóa các đầu tư của các doanh nghiệp [Trung Quốc] ở nước ngoài”, nhằm tránh sự thái quá và lộn xộn trong hoạt động của các công ty Trung Quốc ở châu Phi (và cũng để đáp lại các cáo buộc về “chủ nghĩa thực dân mới”). Cụ thể, 9 nguyên tắc này yêu cầu các doanh nghiệp (chủ yếu là quốc doanh) tuân thủ luật pháp nước sở tại, đấu thầu 1 cách minh bạch và công bằng, bảo vệ quyền lợi của lao động địa phương, bảo vệ môi trường, và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Các nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách châu Phi bao gồm tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, học hỏi lẫn nhau và cùng phát triển. Đây cũng là cơ sở cho chính sách Trung Quốc “không can thiệp và không đặt điều kiện” trong quan hệ với các nước châu Phi.

Quan điểm “không can thiệp” vào công việc nội bộ của các nước châu Phi đã giúp Trung Quốc chiếm được thiện cảm và niềm tin của các đối tác châu Phi, vốn từng chịu ách thực dân phương Tây trong nhiều năm và hiện vẫn bị phương Tây gây sức ép trên các phương diện mà phương Tây gọi là “nhân quyền” và “dân chủ”. Các khoản viện trợ của Mỹ và châu Âu cũng như của các định chế tài chính chịu sự chi phối của phương Tây như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đi kèm với các điều kiện liên quan đến nhân quyền, dân chủ, chống tham nhũng và chống đói nghèo.

Trung Quốc lập luận việc lựa chọn chế độ chính trị và con đường phát triển là việc riêng của nhân dân mỗi nước, nước khác không có quyền can thiệp vào. Trên thực tế, Trung Quốc sẵn sàng thiết lập quan hệ với bất cứ chế độ nào ở châu Phi miễn là chế độ đó tôn trọng Trung Quốc và thừa nhận nguyên tắc “một nước Trung Hoa” cũng như ủng hộ “sự nghiệp thống nhất” của nước này.

Trung Quốc đặc biệt khéo léo tận dụng thực tế lịch sử là châu Phi từng bị phương Tây nô dịch, còn Trung Quốc thì từng bị ngoại xâm và các nước tư bản xâu xé, từ đó tạo ra sự gắn bó đồng cảnh ngộ giữa quốc gia Đông Á này và toàn bộ Lục địa Đen. 

Người Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho châu Phi (ảnh: africanthroughthelookingglass)

Trong mối quan hệ với châu Phi nổi bật lên vai trò của giới ngoại giao Trung Quốc, những người đã tích cực thực hành cả ngoại giao kinh tế và văn hóa, làm xúc tác cho sự mở rộng ảnh hưởng kinh tế và văn hóa của Trung Quốc, sẵn sàng “đốp” lại các quan điểm và lập luận bất lợi cho sự trỗi dậy của nước này.

Trước khi ra đời “Chính sách châu Phi của Trung Quốc”, hai bên đã thiết lập được Diễn đàn Hợp tác Trung-Phi (FOCAC) vào năm 2000 – đây là một cơ chế khá hữu hiệu cho đối thoại tập thể và thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa Trung Quốc và các nước châu Phi.

Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và châu Phi diễn ra ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ thấp hơn như thành phố và tỉnh, không chỉ qua diễn dàn bao trùm FOCAC mà còn qua các diễn đàn khu vực khác “dính” đến châu Phi. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn “đối thoại chiến lược” với tổ chức Liên minh châu Phi và góp quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở châu lục này.

Với tư cách ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã cố gắng tỏ ra mình là người luôn quan tâm đến và bảo vệ các nước châu Phi, ủng hộ các đề xuất của các nước này về cải cách Liên Hợp Quốc, thậm chí còn đứng ra “nói đỡ” cho hoặc “giải cứu” một số nước khi họ gặp phải sức ép từ Liên Hợp Quốc hoặc cộng đồng quốc tế.

Dĩ nhiên ngoại giao mới chỉ dọn đường. Cốt lõi trong quan hệ Trung-Phi là kinh tế (Trung Quốc không thiết lập liên minh quân sự hay mở căn cứ quân sự tại châu Phi). Hiệu quả hợp tác kinh tế từ FOCAC là thấy rõ: Năm 2000, lần đầu tiên thương mại song phương vượt mức 10 tỷ USD. Một thập kỷ sau (2011), con số này đã tăng vọt lên mức 166 tỷ USD. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.

Trên thực tế, Trung Quốc đã đồng thời viện trợ kinh tế cho các nước châu Phi và cung cấp cho các nước này các khoản vay ưu đãi (lãi suất thấp hoặc bằng không). Ngoài ra, Trung Quốc còn sẵn sàng thực hiện xóa một số khoản nợ, khiến nhiều nước châu Phi phải “hàm ơn” Trung Quốc. Điều đặc biệt trong các khoản vay là Trung Quốc không đặt điều kiện như phương Tây vẫn hay làm, nhờ đó các nước châu Phi dễ tiếp cận nguồn vốn này hơn. Các khoản cho vay này tăng lên không ngừng, từ 5 tỷ USD năm 2006, lên 10 tỷ USD năm 2009 và tận 20 tỷ USD năm 2012. Cả viện trợ, vốn cho vay và việc xóa nợ một mặt giúp châu Phi phát triển cơ sở hạ tầng, mặt khác đem lại cho Trung Quốc một “nguồn vốn chính trị” rất dồi dào ở Lục địa Đen. Các ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động này.

Bên cạnh viện trợ tài chính và các chương trình cho vay, Trung Quốc còn đặc biệt coi trọng trợ giúp kỹ thuật để gây dựng ảnh hưởng trong khu vực. Có vẻ Trung Quốc rất ưa thích việc này, vì nó bảo đảm hiệu quả của trợ giúp và tạo công ăn việc làm cho công nhân Trung Quốc đưa sang châu Phi. 

Sinh viên Đại học Nairobi (Kenya) đang học cách làm bánh tại một Học viện Khổng Tử (ảnh: sohu.com)

Các dự án đầu tư của Trung Quốc nhằm nhiều vào ngành công nghiệp khai thác, giúp Trung Quốc “nắm được” tài nguyên thiên nhiên (dầu khí, khoáng sản, đá quý) ngay từ đầu nguồn. Chẳng hạn, Tổng Công ty Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc là nhà đầu tư chủ yếu vào thăm dò, vận chuyển và sản xuất dầu mỏ ở Sudan.

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng ở châu Phi (kể cả ở một vài nước giàu) là rất kém và cần đến cả vốn và kỹ thuật để nâng cấp và phát triển. Và Trung Quốc, với đội ngũ các công ty xây dựng đông đảo và xông xáo của mình, đã tỏ ra đáp ứng được nhu cầu này của châu Phi. Việc phát triển cơ sở hạ tầng (đường sá, cảng biển,…) vừa cải thiện đời sống người dân châu Phi, vừa hỗ trợ chính việc vận chuyển tài nguyên châu Phi về Trung Quốc.

Ngoài phát triển hạ tầng, Trung Quốc còn chú ý đến phát triển nguồn nhân lực cho châu Phi – điều này có lợi cho đôi bên theo tinh thần “các bên cùng thắng”. Trung Quốc đã đưa nhiều bác sĩ đến châu Phi để chữa bệnh cho người dân địa phương (bảo đảm chất lượng dân số), gửi giáo viên đến đây để nâng cao dân trí, đồng thời cung cấp học bổng (cả đại học và sau đại học) cho hàng ngàn sinh viên châu Phi theo học tại Trung Quốc. Các chương trình giáo dục như thế này mang lại thêm thiện chí từ châu Phi, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực cho công cuộc làm ăn kinh tế của Trung Quốc ở châu lục này về cả ngắn hạn và dài hạn.

Học bổng cho sinh viên châu Phi cũng là một phần trong chiến lược xây dựng quyền lực mềm của Trung Quốc, mà theo đó Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa với châu Phi, mở tới gần 30 Học viện Khổng Tử ở mấy chục nước châu Phi để quảng bá ngôn ngữ và các giá trị văn hóa Trung Hoa. Nhiều lãnh đạo tương lai của châu Phi có thể nằm trong số nhận học bổng, mà nếu Trung Quốc không chủ động can thiệp, có thể họ sẽ lại được đào tạo ở phương Tây như trước đây.

Trong lĩnh vực truyền thông, tờ nhật báo tiếng Anh của Trung Quốc, China Daily, vào cuối năm 2012 đã mở thêm ấn bản châu Phi. Đầu năm 2012, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mở trụ sở ở Kenya và phát sóng chương trình CCTV châu Phi. Tân Hoa xã thì hợp tác với hãng điện thoại di động để cung cấp dịch vụ tin tức trên điện thoại cầm tay. Từ tận năm 2006, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đã mở đài phát sóng ở Kenya, cung cấp cho 2 triệu người dân nước này 19 tiếng chương trình phát thanh mỗi ngày, với nội dung chính là tin tức về Trung Quốc và thế giới.

Việc xúc tiến hợp tác du lịch, đẩy cao lượng du khách Trung Quốc sang châu Phi có tác dụng kép: thúc đẩy kinh tế châu Phi và tăng mối liên hệ văn hóa giữa Trung Quốc và châu lục này.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn chủ động giới thiệu mô hình cải cách kinh tế của mình đến các nước châu Phi và mời chính phủ một số nước đến Trung Quốc tham quan và học tập kinh nghiệm của họ!

“Đánh bại” Mỹ và châu Âu

Địa bàn châu Phi là nơi các cường quốc như Mỹ, Pháp, Anh, và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng. Mỹ thì vẫn cần dầu mỏ. Pháp muốn khôi phục lại ảnh hưởng trong quá khứ. Chiến dịch tiễu trừ phiến quân ở Mali vừa rồi đã phần nào cho thấy mong muốn của Pháp về vị trí của mình tại châu Phi.

Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc vẫn là nước đi đầu trong việc gây dựng quan hệ với châu Phi, còn châu Phi đón chào Trung Quốc như một đối trọng trước ảnh hưởng của phương Tây. Chính người Trung Quốc, chứ không phải phương Tây, là xông xáo nhất trong việc đầu tư vào các dự án khó về hạ tầng ở châu Phi. 

China Daily - Nhật báo tiếng Anh của Trung Quốc – ra ấn bản châu Phi (ảnh: BBC)

Từ năm 2001, trong khi Mỹ mải miết tiến hành chiến tranh chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu (sau sự kiện 11/9) thì Trung Quốc lại tất bật với các hoạt động đầu tư, cho vay, mua bán, xây dựng, và xuất-nhập khẩu ở châu Phi. Các hoạt động của Mỹ ở châu Phi mặc dù cũng có liên quan nhiều đến dầu mỏ nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh các vấn đề quân sự, an ninh và chống khủng bố (như thành lập Bộ Chỉ huy quân sự châu Phi, huấn luyện quân đội các nước, ném bom, truy quét các phần tử Hồi giáo cực đoan…) - chính điều này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thâm nhập nhanh chóng vào châu Phi.

Tất nhiên, như đã nêu ở trên, Trung Quốc còn có lợi thế là từng bị “tư bản phương Tây xâu xé” (nên dễ được châu Phi đồng cảm), và không ra điều kiện cho các khoản viện trợ và cho vay.

Đứng trước thành công của người Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Clinton trong chuyến công du tới châu Phi hồi năm 2012 đã “nói kháy” Trung Quốc khi đề cập đến sự cần thiết phải xây dựng “1 mô hình quan hệ đối tác bền vững gia tăng giá trị chứ không phải bòn rút nó”.

Dẫu vậy, cho đến nay Mỹ chưa làm được gì nhiều (và cũng khó làm được gì nhiều trong khoảng thời gian ngắn như vậy) để vượt qua ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi. Còn truyền thông Trung Quốc thì đã nhanh chóng "phản pháo", khẳng định “âm mưu của Mỹ gieo mối bất hòa giữa Trung Quốc và châu Phi nhất định thất bại”.

Thực tế, một điều tra của hãng BBC năm 2011 cho thấy nhìn chung người dân châu Phi tin tưởng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có tác động tích cực lên đất nước họ (tới 82% người được hỏi ở Nigeria, 77% ở Kenya nhận định như vậy; mức thấp nhất là 54% ở Ai Cập và 52% ở Nam Phi).

Một số vị lãnh đạo châu Phi gọi Trung Quốc là “người bạn tốt”, “người bạn số một”, và nỗ lực của Trung Quốc trong việc xóa nợ là “biểu hiện chân chính của tình đoàn kết” v.v..

Tất nhiên quan hệ Trung-Phi không chỉ toàn màu hồng. Đã có nhiều than phiền về làn sóng công nhân Trung Quốc, về chất lượng xây dựng, về xung khắc giữa giới chủ Trung Quốc và công nhân bản địa, và về sức cạnh tranh “khủng khiếp” của doanh nghiệp Trung Quốc khiến nhiều ngành nghề của châu Phi phá sản. Cả hai bên còn phải nỗ lực nhiều để bảo đảm một mối quan hệ cân bằng (hai bên hưởng lợi đồng đều) cũng như sự bền vững cho nền kinh tế châu Phi./.

Xem thêm:

>> Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?

>> Trung Quốc bành trướng thế lực ở châu Mỹ Latin