Phiên họp của cơ quan lập pháp Catalonia diễn ra hơn 1 tuần sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10 về việc độc lập khỏi Tây Ban Nha của vùng đất này. Theo Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, cuộc họp là nhằm thông báo “tình hình chính trị hiện nay”, một cách nói khá mơ hồ, mà giới phân tích cho là nhằm tránh Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha lần thứ 2 ra phán quyết đình chỉ.

catalonia_jnuq.jpg
Người Catalonia biểu tình đòi độc lập. Ảnh: Reuters

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình TV3 của Catalonia hồi cuối tuần qua, Thủ hiến Carles Puigemont cũng đã cho thấy quyết tâm không lùi bước khi khẳng định sẽ áp dụng luật trưng cầu ý dân để tuyên bố độc lập.

Kể từ khi thông báo ý định về nền độc lập hồi tháng 9 vừa qua và đặc biệt là sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10, Thủ hiến Catalonia Carles Puigemont đã phải đối mặt với những sức ép ngày càng tăng cả về kinh tế và chính trị.

Sau cơn địa chấn trên, thị trường chứng khoán, các ngân hàng hàng đầu như CaixaBank hay Sabadell, cùng với nhiều tập đoàn lớn đã quyết định chuyển trụ sở ra khỏi Catalonia.

Những hãng truyền thông lớn của Tây Ban Nha và Catalonia cũng đăng nhiều bài viết phản đối ý định của chính quyền Catalonia tuyên bố độc lập. Tờ La Vanguardia số ra cuối tuần qua đã kêu gọi Catalonia hành động phù hợp nhằm “tránh một cơn ác mộng”.

Ngay trong nội bộ phong trào đòi ly khai tại Catalonia cũng xuất hiện những ý kiến kêu gọi một “sự đình chiến” nhằm “tạo cơ hội cuối cùng cho đối thoại”.

Đối với những người theo đường lối ôn hòa, thì Catalonia sẽ không từ bỏ nền độc lập, song nên hành động theo từng bước nhằm tạo cơ hội cho đối thoại với chính phủ trung ương, tức là có thể đàm phán về việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân được sự đồng ý của chính phủ trung ương hoặc đàm phán về những điều khoản của nền độc lập.

Thị trưởng Barcelona Canada Ada Colau nói: “Trong tình hình hiện nay, kết quả cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10 không phải là một sự đảm bảo để tuyên bố độc lập, song là cơ hội để xây dựng đối thoại và hòa giải quốc tế.

Thủ hiến Carles Puigemont biết rằng, điều chúng ta cần bây giờ là những cử chỉ để giảm căng thẳng  từ cả hai bên thay vì gia tăng căng thẳng mà không có lợi cho bất kỳ ai. Giờ là thời gian để xây dựng các cây cầu nối chứ không phải là phá hủy chúng”.

Những người đòi li khai vẫn tin rằng, Liên minh châu Âu sẽ can thiệp trước khi điều này xảy ra và sẽ đề xuất đóng vai trò trung gian hòa giải. Tuy nhiên tới nay, những động thái từ phía Liên minh châu Âu vẫn khá yên ắng và mới chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi.

Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici nói: “Chúng tôi cho rằng, giải pháp cho cuộc khủng hoảng không phải là bằng bạo lực, mà phải tìm kiếm những giải pháp thông qua đối thoại và điều này cũng đúng khi bạn nhìn từ khia cạnh kinh tế. Vì thế, theo cách này hay cách khác, đối thại vẫn phải là lựa chọn số một và tôi hi vọng chung ta sẽ tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại”.

Chính điều này đã khiến các cuộc thảo luận hồi tuần trước tại Catalonia trở thành nơi tranh cãi của chính những người thuộc phong trào đòi ly khai, giữa một bên phản đối ý định nhanh chóng tuyên bố độc lập cho Catalonia như đúng kế hoạch ban đầu với một bên là những người còn do dự do lo ngại kế hoạch sẽ dẫn tới những hậu quả không thể lường trước.

Cuối tuần qua, người phát ngôn Đảng dân chủ Catalonia Marta Pascal đã có những phát biểu, ngầm ám chỉ, một giải pháp có thể tìm thấy để dung hòa giữa hai bên, là Thủ hiến Carles Puigemont có thể đồng ý sẽ tuyên bố độc lập nhưng chỉ mang tính biểu trưng để mở đường cho các cuộc đàm phán với chính phủ trung ương.

Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngày 9/10 một lần nữa khẳng định, ông sẽ không chấp nhận một giải pháp theo kiểu “tuyên bố độc lập bị trì hoãn”.

Câu hỏi đặt ra lúc này là những người đòi ly khai tại Catalonia sẽ phản ứng thế nào nếu chính phủ trung ương áp dụng điều 155 của Hiến pháp, tức là chấm dứt quyền tự trị của vùng đất Catalonia?./.