Theo đó, chính quyền vùng Catalonia đã quyết định hoãn phiên họp công bố độc lập của vùng tự trị này sang ngày 10/10, một sự kiện nếu diễn ra sẽ gây cơn địa chấn không chỉ Tây Ban Nha, mà cả châu Âu.

catlonia_xmby.jpg
Người dân Catalonia xuống đường biểu tình đòi độc lập. Ảnh: Reuters

Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố lùi 1 ngày phiên họp dự kiến đơn phương tuyên bố độc lập của vùng tự trị này sang ngày 10/10 và chương trình nghị sự cũng có sự thay đổi khi chỉ đơn giản là tập trung vào “tình hình chính trị”.

Tuyên bố mới nhất này được xem là sự nhượng bộ đáng kể của chính quyền Catalonia, nhất là khi được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ra lệnh đình chỉ phiên họp.

Trước đó, ông Santi Vila, nhân vật có ảnh hưởng tại Catalonia và có quan hệ gần gũi với Thủ hiến Carles Puigdemont đã kêu gọi “một sự đình chiến”, điều mà theo ông là có nghĩa trong những ngày tới, chính quyền Catalonia sẽ không có bất kỳ quyết định nào có thể khiến tình hình trở nên không thể vãn hồi.

Căng thẳng giữa chính quyền trung ương Tây Ban Nha và vùng Catalonia đã đẩy Tây Ban Nha vào một cuộc khủng hoảng chính trị được xem là nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này khôi phục nền dân chủ năm 1977.

Cuộc khủng hoảng đã gây chia rẽ vùng Catalonia, nơi có tới 16% người Tây Ban Nha sinh sống và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, một nửa số người dân tại đây không đồng ý ly khai khỏi Tây Ban Nha.

Cuộc khủng hoảng gần như đã lâm vào bế tắc hoàn toàn khi chính phủ Tây Ban Nha bác bỏ mọi đề xuất hòa giải. Theo Thủ tướng Mariano Rajoy, để đối thoại, cần phải tôn trọng luật pháp.

Người phát ngôn Chính phủ Inigo Mendez de Vigo một lần nữa kêu gọi các nhà lãnh đạo Catalonia giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử vùng: “Chính phủ kêu gọi chính quyền Catalonia trở lại với luật pháp và hành động theo khuôn khổ luật pháp. Bởi chỉ khi trong khuôn khổ luật pháp, chúng ta mới có thể nói chuyện và chúng ta mới có thể đối thoại”.

Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha đã phát đi tín hiệu “hạ nhiệt” căng thẳng với Catalonia khi Người đại diện cho chính phủ Tây Ban Nha tại Catalonia, Enric Millo, gửi lời xin lỗi đến những người bị thương trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10. Ông Enric Millo cho biết “lấy làm tiếc và muốn thay mặt lực lượng an ninh can thiệp xin lỗi những người bị thương".

Cuộc khủng hoảng chính trị liên quan tới kế hoạch độc lập của vùng Catalonia đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế đất nước, có nguy cơ đẩy khu vực kinh tế giàu có nhất Tây Ban Nha và toàn bộ đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị và khiến giới doanh nghiệp, ngân hàng cảm thấy bấp bênh về mặt pháp lý.

 Nhiều công ty, tập đoàn, trong đó có Ngân hàng CaixaBank, lớn nhất Catalonia và lớn thứ 3 Tây Ban Nha đã quyết định chuyển trụ sở khỏi khu vực. Banco Sabadell, ngân hàng lớn thứ 2 Catalonia cũng đưa ra thông báo tương tự hồi giữa tuần, sau khi cổ phiếu của ngân hàng này sụt giảm trên Thị trường chứng khoán.

Người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo cho biết: “Tất cả chúng ta chắc chắn đều đã đọc những bài báo, những tuyên bố của các doanh nghiệp và hiểu vì sao tại Catalonia lại có nhiều người tin rằng, điều quan trọng là phải trở lại với luật pháp.

Và chúng tôi cho rằng đây là điều quan trọng lúc này và một điều quan trọng khác nữa là phải hỗ trợ các hành động của chính phủ như hầu hết các đảng phái chính trị đang làm hiện nay. Đây là một thời điểm khó khăn song đây cũng là thời điểm thử thách sự đoàn kết của chúng ta”.

Trong số những vũ khí mà chính phủ Tây Ban Nha có thể cân nhắc sử dụng nhằm ngăn Catalonia tuyên bố độc lập có việc ngừng quyền tự trị của khu vực, một ý kiến đang nhận được sự ủng hộ trong dư luận Tây Ban Nha.

Tuy nhiên điều này lại có thể làm nóng hơn nữa ý chí độc lập tại Catalonia. Tuy nhiên, nếu Catalonia tách ra khỏi Tây Ban Nha thành công, nhiều khả năng Catalonia sẽ bị loại ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) và hệ thống ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung./.