Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha vừa ra lệnh đình chỉ phiên họp của Nghị viện vùng Catalonia, một động thái được dự đoán có khả năng làm đổ vỡ kế hoạch tuyên bố độc lập đơn phương của xứ này.

phat_ngon_vien_catalan_kito.jpg
Phát ngôn viên Carme Forcadell của chính quyền xứ Catalonia. Ảnh: El Confidencial Digital.

Quyết định đình chỉ phiên họp ngày 9/10 của cơ quan lập pháp xứ Catalonia cũng đã làm trầm trọng thêm một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất của Tây Ban Nha kể từ khi thành lập chế độ dân chủ.

Phản ứng trước quyết định mới nhất của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha, người phát ngôn của chính quyền Catalonia Carme Forcadell đã cáo buộc chính quyền trung ương sử dụng tòa án để giải quyết các vấn đề chính trị và cho biết hội đồng khu vực sẽ không bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, vị quan chức này nói rằng giới lãnh đạo Catalonia vẫn chưa quyết định có nên chống lại quyết định của Tòa án trung ương hay không.

Dự kiến giới lãnh đạo Catalonia sẽ đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong phiên họp ngày 9/10 tới. Theo nhận định của giới chuyên gia, hành động đơn phương tuyên bố độc lập của Catalonia có thể gây ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới nền kinh tế và chính trị của xứ tự trị này nói riêng và toàn Tây Ban Nha nói chung. Điều này cũng có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm thổi bùng lên ngọn lửa ly khai vốn đang âm ỉ tại một số quốc gia châu Âu.

Chính vì vậy, việc Tòa án Hiến pháp bất ngờ ra lệnh đình chỉ phiên họp Nghị viện vùng Catalonia đã ngay lập tức giúp “xoa dịu” các thị trường tài chính tại Tây Ban Nha. Giá cổ phiếu và trái phiếu của Tây Ban Nha, vốn bị tác động bởi những bất ổn chính trị ở Catalonia những ngày qua, đã tăng lên ngay sau khi có tin về quyết định mới nhất của Tòa án Hiến pháp.

Mặc dù có những tín hiệu tích cực từ thị trường tài chính, song nhiều người dân Tây Ban Nha vẫn tỏ ra hoài nghi và có những phản ứng trái chiều trước quyết định mới nhất này của Tòa án Hiến pháp.

Một người dân nói: "Tôi nghĩ rằng đó là quyết định đúng đắn, trước tiên bởi vì đó chỉ là một quyết định đơn phương của xứ Catalonia nên tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu làm một điều gì đó và cấm họ đưa ra quyết định vào thứ hai tới".

Một người dân khác nói: “Tôi nghĩ rằng Toà án Hiến pháp có quyền riêng của họ, họ đang bảo vệ luật pháp, nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề này hay cuộc xung đột này là phức tạp hơn nhiều về mặt pháp lý, và điều này thậm chí có thể tạo ra mâu thuẫn và làm leo thang căng thẳng".

Việc vùng tự trị Catalonia đòi tách khỏi Tây Ban Nha đang làm trầm trọng thêm những mối chia rẽ bên trong xã hội quốc gia châu Âu này. Một thực tế không thể phủ nhận là sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10 về việc tuyên bố độc lập ở Catalonia, những mối rạn nứt trong xã hội Tây Ban Nha chắc chắn sẽ ngày càng mở rộng.

Catalonia, vùng tự trị thịnh vượng bậc nhất Tây Ban Nha những ngày qua chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình giận dữ và đình công. Nhiều người dân đang tỏ ra bất mãn với chính quyền trung ương sau những cuộc đột kích, bắt giữ tại các điểm bỏ phiếu.

Chưa kể đến việc cuộc trưng cầu ý dân của xứ Catalonia diễn ra trong bối cảnh một làn sóng dân túy đang quét qua châu Âu, gây sóng gió trên chính trường nhiều nước lớn như Pháp và Đức.

Cùng với sự lên ngôi của các đảng cực hữu ở nhiều nước châu Âu khác, cuộc trưng cầu ý dân gây nhiều tranh cãi này là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy các quốc gia đang phải chật vật đối mặt với thách thức duy trì sự toàn vẹn, sự đa dạng trong xã hội và trung hòa những khoảng cách và khác biệt nội tại. Và trường hợp của xứ Catalonia hiện chẳng khác nào hồi chuông cảnh báo với những quốc gia châu Âu khác, nơi đang âm ỉ các phong trào li khai./.